REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt - Review - Reaction Phim Do dienanhnet Thực Hiện

Tóm Tắt - Review - Reaction Phim Do dienanhnet Thực Hiện

Xây dựng câu chuyện theo phong cách Nhật Bản cùng đề tài hoàn toàn mới lạ, đạo diễn Kore-eda Hirokazu đã mang Broker (Người Môi Giới) ra quốc tế và giành được nhiều lời khen tích cực từ các giới phê bình. Với cách kể chuyện chậm rãi, mình nghĩ Broker (Người Môi Giới) sẽ khó phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Broker (Người Môi Giới) là câu chuyện về cuộc hành trình tìm kiếm gia đình cho Woo Sung, một đứa trẻ bị bỏ rơi trong đêm mưa tầm tã. Tại đây, mình bắt gặp Sang Hyun (Song Kang Ho) và Dong Soo (Kang Dong Won), họ là người môi giới, chuyên vận chuyển những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chiếc hộp em bé (baby box) đến các cặp đôi đồng tính hoặc hiếm muộn. Chuyện sẽ không có gì nếu không có sự xuất hiện bất ngờ của So Young (IU), mẹ của Woo Sung đến và đòi lại con mình. 

Sau khi nghe Sang Hyun và Dong Soo trình bày, cô quyết định tham gia chuyến đi tìm mái ấm mới cho con mình. Cả hành trình đã giúp những con người xa lạ dần gắn kết và hiểu nhau hơn, họ lại chính là gia đình mới của Woo Sung.

Nhìn chung, Bánh Đúc thấy Broker (Người Môi Giới) khác biệt hoàn toàn với các tác phẩm Hàn Quốc từ trước đến nay mình từng xem. Mang màu sắc của thể loại chính kịch, xã hội, bộ phim của Kore-eda Hirokazu có một tiết tấu cực kỳ chậm rãi, không có bất kỳ cao trào hay những sự bùng nổ quen thuộc. 

Phần lớn các tác phẩm theo thể loại này của xứ Hàn thường đánh mạnh vào tâm lý nhân vật cũng như tạo nhiều xung đột, căng thẳng dẫn đến một cái kết nặng nề, khiến mình phải vò đầu bứt tai.

>>> Xem thêm: The Boys: Hiện tượng "đột biến" của dòng phim siêu anh hùng

Tuy nhiên, Broker (Người Môi Giới) như một bản nhạc dương cầm được đánh bởi nghệ sĩ Nhật Bản, từng hồi của phim đều trôi qua một cách lặng lẽ, kể cả lời thoại của nhân vật. Mỗi khung hình hiện lên đều đẹp và được sắp xếp bố cục khá mãn nhãn. Theo mình nghĩ, nếu mạch phim Broker (Người Môi Giới) khiến bạn “ngáp ngắn ngáp dài” thì phần hình ảnh cũng là một yếu tố cứu rỗi phần nào.

Khác với các tác phẩm trước đây của Hàn Quốc, đạo diễn người Nhật như làm nên sự đột phá, khẳng định phong cách làm phim của mình bằng cách kể chuyện chậm rãi. Chính điều đó, mình nghĩ Broker (Người Môi Giới) sẽ khó lòng phù hợp với thị hiếu thế hệ trẻ ngày nay. 

Một phần vì có những phân đoạn cảm xúc nhưng lại không khiến mình rơi nỗi một giọt nước mắt, mọi thứ cứ cố gắng tạo chút gì đó đọng lại nhưng mãi không đẩy lên đỉnh điểm của cảm xúc ấy.

Thứ hai, hành trình của các nhân vật trong phim chung quy cũng chỉ có một điểm chung là tìm được gia đình phù hợp cho Woo Sung. Chính vì thế không có quá nhiều kịch tính hay những diễn biến nhỏ can thiệp vào. Đặt bản thân dưới góc nhìn của đại đa số thế hệ gen Z, mình nghĩ ngày này nhiều khán giả sẽ thích những gì giải trí hoặc đủ để thỏa cảm xúc của họ bằng những câu chuyện bi kịch, khóc lóc.

Broker (Người Môi Giới) may mắn khi sở hữu cho mình lượng diễn viên hùng hậu và tạo dấu ấn trước đó với ngành giải trí quốc tế. Điển hình có Song Kang Ho, Bae Doona, IU…các diễn viên đều thể hiện tròn vai và mình không nghi ngờ gì đến diễn xuất của họ. Thậm chí, cậu bé Im Seung Soo vào vai nhân vật Hae Jin cũng khiến mình phải “trụy tim” mấy lần vì sự kháu khỉnh của bé.

Từng vai diễn đều cho mình thấy được sự nhân đạo luôn tồn tại trong chính họ, dẫu công việc hay môi trường có ra sao, điều họ quan tâm lúc này là tương lai Woo Sung sẽ như thế nào.

Quả thật, Broker (Người Môi Giới) khiến mình có cảm giác cực kỳ phân vân, một phần là do cách kể chuyện khiến mạch phim hoàn toàn đi ngược lại với phong cách xem phim của mình trước giờ, có đôi lần phải thả mình vào giấc ngủ trong rạp hôm ấy. Song song đó lại là màn thể hiện cũng như ý nghĩa sau cùng mà các nhân vật mang lại.

Điều mình ấn tượng nhất của Broker (Người Môi Giới) chính là việc hội ngộ của những con người lạ mặt đã làm nên gia đình thật sự cho Woo Sung mà ngay cả họ cũng không ngờ tới, ngay cả cô cảnh sát Soo Jin và thám tử Lee cũng vô tình tham gia vào chuyến xe ấy. Mình nghĩ có lẽ sự xuất hiện của Woo Sung đã kết nối tất cả, cũng chính bé đã tạo ra một gia đình mới cho họ.

>>> Xem thêm: Tang Lễ Đầu Xuân: Nội dung na ná Đêm Tối Rực Rỡ nhưng làm sơ sài hơn

Trong phim, nhân vật Dong Soo cũng là đứa trẻ bị bỏ rơi trong hộp em bé. Anh luôn ao ước có được một gia đình thật sự, khi trải qua hành trình cùng So Young, anh lại mong muốn được chăm sóc cả hai mẹ con. Chính điều này đã giúp vai diễn của Kang Dong Won sâu sắc hơn bao giờ hết, mặc dù thoạt đầu mình chỉ tập trung vào Song Kang Ho, IU và Bae Doona.

Tựu trung, Broker (Người Môi Giới) đưa các nhân vật tưởng chừng chỉ là những người thuộc tầng lớp lao động, bình thường của xã hội, nhưng họ lại trở thành ánh sáng cho các đứa trẻ bị bỏ rơi. Đặc biệt, mình thích cách nhà làm phim treo tấm ảnh các nhân vật chụp với nhau ở cuối phim trong chiếc xe, điều đó cho thấy họ là những mảnh ghép, mang sứ mệnh kết nối những con người bị bỏ rơi lại với nhau. 

Bánh Đúc nghĩ Broker (Người Môi Giới) sẽ không phải là lựa chọn phù hợp của nhiều đối tượng khán giả. Mình chấm bộ phim được 6/10.

Còn bạn. Bạn nghĩ sao về phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Cốt truyện, nhân vật và thông điệp là 3 yếu tố cấu thành nên một tác phẩm điện ảnh thành công. Thế nhưng, Karem, Vật Chứa Tử Thần lại không hội tụ đủ những điều đó. Thậm chí cách mà các nhân vật xoay sở để thoát khỏi lời nguyền cũng chưa thật sự thuyết phục mình, mọi thứ đều dễ đoán, ví như xem một bộ phim kinh dị của những năm đầu thế kỷ 20 vậy.

Karem, Vật Chứa Tử Thần được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, xảy ra vào năm 1984. Khi đó, gia đình Abraham Briseno – Mariana Briseno và những đứa con cùng chuyển nhà từ Hoa Kỳ đến Mexico vì công việc mới của người cha. Tuy thế, chẳng ai biết được, chuyến đi này mãi không có ngày trở về, bởi nơi họ tới đang cất giấu bí mật khủng khiếp về những vụ án mạng kinh hoàng. 

Thậm chí, ngôi nhà cũng bị ám bởi những vong hồn oan ức từ sự cố năm xưa. Từ đây, câu chuyện của Karem, Vật Chứa Tử Thần chính thức bắt đầu.

Mình nghĩ một trong những điều khiến các bộ phim kinh dị có phần thu hút nhiều người chính là những yếu tố bất ngờ mà các diễn biến đem lại. Có thể không tạo nhiều hiệu ứng hù dọa thông thường, nhưng đã là phim kinh dị, thì hầu hết các tình huống phải có sức ám ảnh và gợi một sự rùng rợn nhất định, có thể là cách phản diện âm thầm xử lý từng nhân vật, hoặc lời nguyền bủa vây lên cả một gia đình và âm thầm phát tán ra cả thị trấn dần dần…

>>> Xem thêm: Karem, Vật Chứa Tử Thần: Kinh dị lỗi thời, thất bại từ khâu kịch bản

Có khá nhiều ý tưởng để khai thác một câu chuyện kinh dị từ những chủ đề xưa cũ, nhưng không hiểu sao Karem, Vật Chứa Tử Thần lại chọn cách quen thuộc nhất mà hết 7749 bộ phim kinh dị đều sử dụng đến: đó là cho một gia đình chuyển đến một nơi ở mới, tại đây họ bắt đầu gặp những điều siêu nhiên, bí ẩn và chọn một thành viên trong gia đình là con tốt thí để nhập vào và khiến tất cả “lên bờ xuống ruộng”.

Vâng! Karem, Vật Chứa Tử Thần là thế đấy, cụ thể là cô con gái út đã nhặt được một món đồ chơi cổ quái mà chủ sở hữu cũ đã để lại trước khi từ trần. Kể từ đó, cuộc sống cô bé khác thường, bản thân luôn cô lập với thế giới xung quanh và chỉ ôm lấy những ảo ảnh về một người bạn không có thật, tên Naro.

Có một điều mà thông thường những tác phẩm kinh dị dựa vào chủ đề này mà làm ra diễn biến, chính là hầu hết những người thân trong gia đình, đặc biệt bố mẹ của nhân vật, sẽ cho rằng con họ đang cố gắng “tạo nét”, bày ra những trò quái gỡ. Tuy nhiên “trăm nghe không bằng mắt thấy”, đến lúc được “ân sủng” cho cả nhà rơi vào hoàn cảnh đó thì mới bắt đầu ngộ nhận ra và cuống cuồng tìm cách.

Bối cảnh trong Karem, Vật Chứa Tử Thần xây dựng vào những năm 80, thoạt nhìn sẽ khiến mình nhớ đến những tác phẩm kinh điển như The Exorcist, Carrie, The Amityville Horror, The Shining… nhưng mình thấy mọi thứ chỉ đang cố gắng đánh lừa thị giác của mình để che lấp những lỗ hổng trong kịch bản của nhà làm phim.

Hơn nữa, có những chi tiết khiến mình cảm thấy nhà làm phim đang cố gắng hư cấu những sự việc không có thật, khiến cho trải nghiệm điện ảnh của mình cứ dở khóc dở cười thế nào đấy!

Karem, Vật Chứa Tử Thần tạo những hiệu ứng hù dọa bằng cách để những bóng đen vụt qua chớp nhoáng, hoặc một số người bất giác xuất hiện nhưng cũng không thật sự “đã cái nư” của mình. Có những phân đoạn chuyển cảnh không khớp với nhau, xem mà mình cứ thắc mắc không biết vấn đề kỹ thuật có làm sao không nữa, tệ thật sự!

>>> Xem thêm: Trailer Karem: Cốt truyện tẻ nhạt, nhàm chán đến mức khó tin

Karem, Vật Chứa Tử Thần tạo cho mình cảm giác đạo diễn chỉ đang cố gắng hoàn thành bộ phim theo như chỉ tiêu, chứ chưa thật sự tốt hơn những gì mình mong đợi, bộ phim chỉ đang làm tốt ở khâu đặt tựa phim, buộc mình muốn tò mò xem rằng liệu nó có giống The Possession (Đánh Cắp Linh Hồn) hay không.

Tất nhiên những ai bị ám thì họ sẽ luôn có phần trình diễn tốt nhất, chính vì thế xuyên suốt cả câu chuyện trong Karem, Vật Chứa Tử Thần, nhân vật Karem là người duy nhất tạo được hiệu ứng diễn xuất ổn hơn các nhân vật khác. 

Mình nghĩ chắc một phần vì tính chất vai diễn nên cô bé có thể hoàn thành tương đối như vậy, dàn nhân vật còn lại chỉ như là “bức màn” phía sau cô bé.

Nói chung, Karem, Vật Chứa Tử Thần không thật sự hay như những gì mình mong đợi. Xem phim xong mình cảm thấy tiếc hùi hụi vì phải chi tiền cho một trải nghiệm điện ảnh không xứng đáng. Thật sự mà nói đã là năm 2022, mà Mexico vẫn can đảm cho ra mắt thể loại kinh dị như thế này, một tác phẩm cực kỳ lỗi thời với những diễn biến quen thuộc, dễ đoán.

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Vốn dĩ nổi tiếng, nên việc nhiều quốc gia vay mượn ý tưởng của Hollywood để làm nên cốt truyện chính cho bộ phim của họ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biến tấu tốt hơn thì sẽ được tán dương, ngược lại nếu không hiệu quả sẽ dễ bị “flop” liền. Một trong số đó là Ma Gương 3 (Kuntilanak 3) của Indonesia.

Cốt truyện trong Ma Gương 3 xoay quanh nhân vật Dinda, một cô bé sở hữu siêu năng lực nhưng vẫn chưa học được cách kiểm soát, chính vì vậy cô bé luôn bị bạn bè xem là quái nhân và cô đơn trong chính thế giới của mình. Nhận ra điều đó, Donna - mẹ nuôi của Dinda, gửi cô bé đến Mati Hati, một ngôi trường dành cho những người có năng lực như Dinda. Tưởng chừng mọi chuyện có thể êm xuôi, nhưng chính vì sự tò mò, Dinda đã phát hiện ra nhiều bí mật động trời, nhiều trẻ em đột nhiên biến mất một cách khó hiểu.

Lần lượt điều tra và theo dõi các manh mối, Dinda phát hiện âm mưu tất thảy đều từ những giáo viên tại đây. Dinda vô tình trở thành “mồi ngon” của họ bởi chính cô là người của dòng họ Mangku Jiwo, sở hữu sức mạnh tuyệt vời.

Mặc dù là phần phim thứ 3 của chuỗi phim Kuntilanak, vẫn do Rizal Mantovani đạo diễn. Dưới ngòi bút của Alim Sudio, mình thấy cốt truyện hoàn toàn khác biệt so với hai mùa phim đầu tiên. Vốn gắn mác kinh dị, nhưng những gì diễn ra trong Ma Gương 3 lại hầu hết xoay quanh những hiện tượng siêu nhiên, phép thuật mà có phần thiên về viễn tưởng, giật gân.

Wukong nghĩ có thể đạo diễn muốn rút kinh nghiệm từ hai mùa phim trước, nội dung lần này mở rộng và tập trung về đối tượng trẻ hơn. Mình nghĩ điều này dễ xảy ra tính 2 mặt, nếu xét về mặt tốt, có thể nội dung phim đủ tạo bất ngờ so với những gì Rizal Mantovani đã làm trước đó, nhưng mặt hạn chế sẽ dễ bị mang ra so sánh với những tác phẩm có cùng chủ đề, chẳng hạn Harry Potter hoặc X-Men. 

Do Ma Gương 3 diễn đạt mọi thứ dưới góc nhìn của Dinda, theo chân nhân vật này, mình thấy bối cảnh và cách sắp xếp ở Mati Hati khá giống với ngôi trường Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân của Charles Xavier. 

Vì vậy, tuy khởi sắc có phần khác biệt so với 2 mùa trước, nhưng câu hỏi đặt ra là tựa đề và nội dung có liên quan với nhau không? Mọi thứ diễn ra và khiến mình cứ mãi đi tìm linh hồn trong gương, nhưng đổi lại chỉ là hành trình tìm ra sự thật bằng siêu sức mạnh của một phù thủy hay dị nhân Dinda nào đó?

>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Chỉ nên là phần phụ giải thích về ngôi trường Mata Hati

Có thể, cách mở rộng phạm vị bối cảnh và chủ đề lần này của nhà làm phim đang muốn đi theo xu hướng phim điện ảnh ngày nay, đó là tạo một nhân vật anh hùng có siêu năng lực, phổ biến nhất là: telekinesis (di chuyển đồ vật bằng suy nghĩ) và anh hùng ấy sẽ điều tra những bí ẩn quanh tình huống họ gặp phải. 

Wukong chắc với các bạn rằng, nếu theo dõi Ma Gương 3, mọi người sẽ phải đồng ý với suy nghĩ của mình và gặp đâu đó những hình ảnh quen thuộc của Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân.

Hơn nữa, Ma Gương 3 vẫn chưa thể chứng minh sự cải tiếng chất lượng của chuỗi phim về mặt hình ảnh, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình. Wukong nghĩ rằng liệu do đối tượng nhà làm phim hướng đến là những khán giả trẻ nên họ nghĩ chúng mình sẽ dễ dàng bỏ qua những lỗ hổng nhỏ chăng? Ngay cả cách xây dựng nhân vật cũng không có chiều sâu, thậm chí việc Dinda hy sinh ở một số phân đoạn, cảm xúc của mình như một “dòng sông phẳng lặng”.

Đến đây, mình chợt nhớ đến một bộ phim cũng có bối cảnh tương tự, nhưng lại làm ổn hơn nhiều, đó là Fate: Winx Saga, tác phẩm chuyển thể từ bộ hoạt hình Winx Club nổi tiếng, từng phát sóng trên Netflix. Như mình thấy, nhiều tác phẩm thiết kế kịch bản quanh một bối cảnh nhất định thì đòi hỏi phải tạo độ sâu về mặt hình ảnh, không gian và âm thanh, thì khi xem mình mới cảm nhận hết sự trù phú của tác phẩm ấy.

Cách Ma Gương 3 xây dựng cốt truyện theo công thức của những diễn biến đã lỗi thời khiến mình hoàn toàn mất niềm tin về ngành điện ảnh của Indonesia, liên tục tập hợp nhiều xung đột, mâu thuẫn quanh một diễn biến chính, mình xem Ma Gương 3 mà như đang coi lại những bộ phim cũ của Hollywood vào đầu những năm 2000. 

Có thể hoan nghênh cho tinh thần học hỏi và khai thác ý tưởng khi pha trộn yếu tố giả tưởng với kinh dị khá thú vị. Nhưng không may biên kịch chưa có sự nhất quán rõ ràng khiến mọi thứ trong Ma Gương 3 trở nên mâu thuẫn với câu chuyện mà anh ấy đang phát triển. Do đó, trải qua 3 phần của bộ phim này, Wukong luôn cảm thấy vô lý, nhạt nhẽo và kết thúc cực nhàm chán với một cốt truyện dài dòng.

>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Kinh dị dân gian pha chút hơi hướng siêu anh hùng

Việc chỉ đạo của Mantovani cũng không thể giúp Ma Gương 3 khởi sắc hơn. Những hướng đi mà đạo diễn đưa ra hầu hết đều đơn điệu. Mỗi phút trong thời lượng dài đằng đẵng của phim, mình cảm thấy Mantovani đang cố thể hiện những điều yếu kém nhất. Chỉ cần nhìn vào nửa cao trào giữa thời lượng, khi Adela và Miko cố gắng cứu Dinda và những người bạn của cô ấy và sau đó lại để một số nhân vật nhí hy sinh oan uổng. Hay cách giải quyết “trùm cuối” chỉ bằng hát bài Lengsir Wangi. Xem đến đây, mình kiểu: “Ủa?”.

Tựu trung, Ma Gương 3 thật sự là một phần hậu truyện không hay với mình, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình trở xuống. Thiết nghĩ các nhà làm phim cần cải thiện hơn để thương hiệu của Kuntilanak nói riêng và nền điện ảnh Indonesia nói chung, tốt hơn trong tương lai. Nếu Wukong chấm 2.5/10 thì có quá không nhỉ?

Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.

* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Vốn dĩ không kì vọng nhiều về Kẻ Đào Mồ nên Người Đi Trên Dây cũng không lấy làm lạ với những trải nghiệm khá tệ khi xem phim. Với kịch bản rời rạc và các màn thể hiện khá “ô dề”, đặc biệt là màn lồng tiếng nghe rất mệt của các nhân vật, Kẻ Đào Mồ mang lại những tràng cười cho Người Đi Trên Dây nhiều hơn là nỗi sợ của một phim kinh dị. 

Kẻ Đào Mồ lấy bối cảnh vào thế kỉ 19 tại một làng quê nọ ở nước ta dưới thời Pháp thuộc. Sở cẩm (tên gọi của cơ quan điều tra thời xưa) đang đau đầu khi phải giải quyết hàng loạt vụ việc nơi yên nghỉ của nhiều người giàu có trong làng bị bới tung lên nhằm “thó” các đồ vật có giá trị. 

Phó sở cẩm là Trọng Minh (Nhất Duy) được giao nhiệm vụ làm rõ vụ việc. Cô gái nghèo Bạch Liên (Trương Thị May) làm nghề quét mộ là đối tượng tình nghi hàng đầu. Trong quá trình đó, Minh nảy sinh tình cảm với Liên và hiểu được hoàn cảnh của cô. Bạch Liên vì thương mẹ mắc vấn đề sức khỏe phải uống vàng mới khỏi. 

>>> Xem thêm: Kẻ Đào Mồ: Phim tâm linh, trinh thám lấy bối cảnh nghĩa trang xưa

Điều đầu tiên và có lẽ là điểm cộng duy nhất của Kẻ Đào Mộ chính là ngoại hình khá sáng của Nhất Duy và Trương Thị May. Cả hai có độ đẹp đều nhưng điều đó cũng chẳng thể cứu nổi bộ phim này. 

Phim có một kịch bản không thể lỏng lẻo khi mà lãng mạn cũng không ra lãng mạn, điều tra cũng không ra điều tra và kinh dị cũng không ra kinh dị nốt. Tổng thể cứ như một nồi thập cẩm lộn xộn nhưng hương vị lại vô cùng nhạt nhẽo. 

Các vụ việc “thó của” tại mộ được mở ra khá bình thường khi người thân của họ đến sở khóc lóc ỉ ôi. Tuy nhiên quá trình từ đây bắt đầu trở nên lộn xộn và rối tung rối mù hơn bao giờ hết. Thay vì dùng các chiến thuật như “dụ khỉ lên cây” hay đơn giản là cử người lén theo dõi khu mộ thì biên kịch lại chọn một pha xử lí khá đi vào lòng đất. 

Nghiệp vụ điều tra mà tối ngày lẽo đẽo theo chị gái Bạch Liên chỉ để hỏi mấy câu cực kì vô lí. Các khai thác câu hỏi thì không thể kì quặc hơn. Và thêm một tình tiết khiến mình thấy bó tay luôn là anh chỉ huy điều tra mà tình nguyện chui vô "thùng 6 tấm" để tìm ra người đào mộ nhưng ai dè bị đàn em thủ tiêu. 

Chưa kể đến chức năng của các quan trong sở cẩm khá là chồng chéo nhau. Khi lần lượt bắt kẻ tình nghi về thì cấp thấp lúc cấp cao thẩm vấn. Các thẩm vấn cũng chỉ xoay quanh việc trợn trừng đôi mắt, tác động vật lí đến bàn ghế xung quanh mà chả đá động được gì tới người tình nghi. 

>>> Xem thêm: Chị Chị Em Em 2 và những phim Việt sắp ra mắt đều đáng mong đợi

Một điều nữa mình thấy Kẻ Đào Mộ làm khá tệ đó là không toát ra được không khí của thế kỉ 19 như đã giới thiệu trước đó. Ngoài những bộ đồ nông dân ra thì thôi các trang phục quan lính thời đó cũng may không được tinh tế lắm. Thậm chí là phần hóa trang cho người nhà của các nhân vật đã ra đi có phần lấn lướt khi lắm vòng kiềng và nhiều má phấn môi son. 

Không khí miệt vườn cũng chẳng toát ra được bởi những người nông dân đối thoại rất văn vở, giọng nói còn truyền cảm hơn cả diễn viên lồng tiếng luôn. Các đại từ nhân xưng thay vì “moa” - “toa” thì lại đổi thành “mày” - “tao”, “tôi” - “cậu” rất giống thời hiện đại. Thêm một điều chưa liền lạc trong lời thoại nữa đó là quan ba người Pháp ra lệnh bằng tiếng Việt thì lính lác lại trả lời bằng một tràng tiếng Tây làm mình muốn vô tri luôn trong rạp. 

Về yếu tố tình cảm nảy sinh giữa Trọng Minh và Bạch Liên thì mình thấy mắc cười nhiều hơn là xúc động hay rung rinh bởi các lời thoại khá là đi vào lòng đất của anh chàng phó cẩm này. Ế bằng thực lực chắc chắn là cụm từ dành cho anh chàng này luôn. 

Một trong những câu thoại kinh điển đậm chất vô tri và thậm chí là kém duyên của anh chàng này có thể kể đến là "Em có đôi mắt giống mẹ anh, nãy em đứng cạnh mộ mẹ anh mà tự hỏi tại sao có người giống đến vậy". Trong cùng một bối cảnh mà đại từ trong lời thoại của nhân vật cũng sử dụng lung tung "Bạch Liên cô có thấy vui không, hôm nay tôi thấy hạnh phúc lắm. Được nhìn thấy em cười là hạnh phúc đời tôi". 

Mình có cảm tưởng như các lời thoại được chen nhét vào để lấp đầy thời lượng hoặc cố tình muốn chọc cười nhưng làm chẳng tới đâu. 

Thêm một điểm trừ nữa của phim là lối lồng tiếng vô cùng kịch hóa và không thể nào “ô dề” hơn. Ngay cả các phim ông hội đồng, bà huyện lệnh khác được chiếu dưới dạng bản truyền hình cũng không thể cường điệu và được chỉnh dưới âm lượng to đến vậy. 

Âm thanh của phim cũng mắc lỗi lãng xẹt khi nhạc đi đường nhạc hình đi đường hình. Các đoạn nhạc được chèn vào những phân đoạn kịch tính thì lại có không khí vui tươi còn khi buồn thì ngược lại. Đặc biệt là ca khúc Vùng Trời Bình Yên với một giai điệu không thể lạc quẻ hơn hoàn toàn sượng trân và không ăn rơ gì với hai nhân vật trên màn ảnh. 

Kẻ Đào Mồ cũng mắc một lỗi thường thấy đó là thêm quá nhiều nhân vật phụ thêm mà không để làm gì. Không có các nhân vật như Xiểng, Phan và các quan ba trên thì mình thấy cũng chẳng ảnh hưởng mấy. Thậm chí là anh chàng nam thứ chính Lục nếu không tung được vài cước cho oai thì chắc cũng chẳng để làm gì. 

Nhiều tình tiết cũng được nhấn mạnh nhiều lần khiến làm tốn kha khá thời lượng phim. Đơn cử như cảnh chè chén vào nửa đêm ở nghĩa trang của băng lạ mặt hay hình ảnh cô thư kí thì thôi ưỡn ẹo với khúc nhạc lãng nhách quen thuộc, thỉnh thoảng giơ ngón tay đeo nhẫn áp út lên mà chẳng có ý nghĩa gì. 

Và do kịch bản thiếu đất diễn nên lối diễn của cả nam chính và nữ chính diễn có đúng một màu. Nữ thì thường xuyên xuất hiện với câu thoại "em đội ơn", "em mang ơn" và nét diễn cúi đầu. Các giai đoạn tình cảm phát triển rất chi kì cục kẹo khiến mình không hiểu nổi tại sao khúc cuối nữ chính đồng ý bỏ trốn chung với anh nhau. 

Điểm gây ức chế nhất phim đó chính là kết thúc lãng nhách và giải quyết gần như chẳng thỏa đáng với bất kì nhân vật nào. Kịch bản cũng vướng lỗ hổng khi giải thích danh tính “kẻ đào mồ” một cách lờ mờ, thiếu thuyết và nhồi nhét về cuối. Các phân đoạn hù dọa cũng khá vô lí và khiến mình phải bật cười khi cô bán chè đậu xanh nửa đêm đi vào nghĩa trang chào hàng. 

Nhìn chung, Kẻ Đào Mồ quả thực là một phim kinh dị với quá nhiều thiếu sót lớn và thậm chí thua luôn các phiên bản truyền hình cùng đề tài. Đây cũng là một kinh nghiệm lớn cho nhà làm phim khi đã nhồi nhét một cách vụng về nhiều yếu tố như lãng mạn, kinh dị và trinh thám vào cùng một tác phẩm. Thật lòng đã cố gắng tìm ưu điểm nhưng mình cũng chẳng lần ra được mấy từ Kẻ Đào Mồ

Nếu bạn đã xem phim, hãy để lại comment ý kiến bên dưới cho mình biết nhé. 

* Bài viết của Người Đi Trên Dây chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Tanpopo nhận thấy Hàn Quốc rất ít làm phim lấy đề tài chính trị nhưng một khi đã làm đều rất thành công và Escape from Mogadishu (Trốn Khỏi Mogadishu) chính là một tác phẩm như vậy. 

Phim kể về câu chuyện có thật đáng về cuộc đào tẩu táo bạo của các nhà ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc khỏi Somalia vào đầu những năm 1990.

Đây là tác phẩm của Hàn Quốc dành cho phim quốc tế hay nhất tại lễ trao giải Oscar nên Tanpopo cũng vô cùng háo hức ra rạp xem và hoàn toàn không thất vọng. Escape from Mogadishu lấy mốc thời gian năm 1991 khi các nhà ngoại giao từ Triều Tiên và Hàn Quốc ở Mogadishu đã cạnh tranh cho cuộc bỏ phiếu của Somalia để quyết định xem Hàn Quốc có tham gia Liên hợp quốc hay không. 

Những nỗ lực của đại sứ Hàn Quốc Han (Kim Yoon Seok) nhằm thu hút nhà độc tài người Somali Mohamed Siad Barre đã liên tục bị cản trở bởi đại sứ Triều Tiên ranh mãnh Rim (Huh Joon Ho). Sau đó Barre bị lật đổ, thủ đô rơi vào tình trạng vô chính phủ vô cùng hỗn loạn. Bị quân nổi dậy đánh úp, mất cả thuốc insulin, nhóm người Triều Tiên mới đến gõ cửa nhà Hàn Quốc để xin giúp đỡ. 

Có một số điều hài hước bất ngờ tại đại sứ quán Hàn Quốc, chẳng hạn như sự im lặng khó chịu xung quanh bàn ăn tối khi người Triều Tiên lo lắng cầm đũa. Dù nhóm người Hàn Quốc cho Triều Tiên trú ẩn nhưng họ vẫn sợ bị kẻ thù bỏ hóa chất vào thức ăn nước uống. Tanpopo ôm bụng cười khi vợ đại sứ Han hỏi rằng: “Cô có biết rằng trẻ em Triều Tiên được dạy võ từ nhỏ”?

Tuy nhiên vì có cốt truyện nặng nề, Escape from Mogadishu khiến Tanpopo buồn ngủ trong 2 hồi đầu cho đến màn thứ ba khi nhân viên từ cả hai đại sứ quán di chuyển trong một đoàn xe qua một khu vực xung đột với nhóm nổi dậy được trang bị tận răng. Thông qua phân đoạn này, Tanpopo mới hiểu được rằng đạo diễn Ryu Seung Wan thực sự đã dàn dựng vô cùng kỹ càng thay vì tận dụng kĩ xảo như bao bom tấn khác.

Có lẽ nhờ việc nghiêm túc với bộ phim như thế khiến Escape from Mogadishu trở thành tác phẩm ăn khách nhất xứ Hàn trong thời kỳ dịch. Tanpopo vô cùng khâm phục Ryu Seung Wan khi sự hồi hộp hành động và giải trí tràn ngập trong cốt truyện xoay quanh chính trị. 

Dù Escape from Mogadishu sở hữu 2 cái tên sáng giá là Jo In Sung trong vai nhân viên tình báo Han và Koo Kyo Hwan là cố vấn Tae nhưng Kim Yoon Seok lẫn Huh Joon Ho đã chứng minh được bản thân là gừng càng già càng cay với nét diễn xuất cương nghị, ranh mãnh nhưng không kém phần hấp dẫn. Những khoảnh khắc 2 đại sứ đấu trí, dần chấp nhận và giúp đỡ đối phương làm Tanpopo đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. 

Bạn có thể thắc mắc làm như thế nào mà 1 hồi cứu cả bộ phim nhưng Escape from Mogadishu là như vậy đấy! Khen nhiều rồi, giờ Tanpopo phải chê thôi! Thứ nhất, phim được sản xuất dựa trên góc nhìn của người Hàn hoàn toàn vì đây là phim của xứ sở kim chi mà! Do đó, tính đa dạng góc nhìn cũng bị hạn hẹp vì kể theo hồi ức của một người.

Thứ hai, một số thứ bị khiên cưỡng, chẳng hạn như chi tiết trẻ con cầm vũ khí. Suy nghĩ của người dân Somalia về cuộc nội chiến cũng không được nêu rõ, phần nào khiến bộ phim hơi nông theo suy nghĩ của Tanpopo.

Nhìn chung, Escape from Mogadishu là tác phẩm độc đáo của Ryu Seung Wan, đặc biệt là sản xuất trong mùa đại dịch. Cứ ra rạp thưởng thức để biết được sự kiện lịch sử này bạn nhé!

>> Xem thêm: The Princess: Ngô Thanh Vân đỉnh cao trong vai đả nữ, Joey King mới lạ

* Bài viết của Tanpopo chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc


Nguồn: Dienanhnet