REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt Phim Châu Á HAY [ReviewTomTat.Com] Tổng Hợp Tóm Tắt, Review, Reaction Phim

Tóm Tắt Phim Châu Á HAY [ReviewTomTat.Com] Tổng Hợp Tóm Tắt, Review, Reaction Phim

Vốn dĩ nổi tiếng, nên việc nhiều quốc gia vay mượn ý tưởng của Hollywood để làm nên cốt truyện chính cho bộ phim của họ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biến tấu tốt hơn thì sẽ được tán dương, ngược lại nếu không hiệu quả sẽ dễ bị “flop” liền. Một trong số đó là Ma Gương 3 (Kuntilanak 3) của Indonesia.

Cốt truyện trong Ma Gương 3 xoay quanh nhân vật Dinda, một cô bé sở hữu siêu năng lực nhưng vẫn chưa học được cách kiểm soát, chính vì vậy cô bé luôn bị bạn bè xem là quái nhân và cô đơn trong chính thế giới của mình. Nhận ra điều đó, Donna - mẹ nuôi của Dinda, gửi cô bé đến Mati Hati, một ngôi trường dành cho những người có năng lực như Dinda. Tưởng chừng mọi chuyện có thể êm xuôi, nhưng chính vì sự tò mò, Dinda đã phát hiện ra nhiều bí mật động trời, nhiều trẻ em đột nhiên biến mất một cách khó hiểu.

Lần lượt điều tra và theo dõi các manh mối, Dinda phát hiện âm mưu tất thảy đều từ những giáo viên tại đây. Dinda vô tình trở thành “mồi ngon” của họ bởi chính cô là người của dòng họ Mangku Jiwo, sở hữu sức mạnh tuyệt vời.

Mặc dù là phần phim thứ 3 của chuỗi phim Kuntilanak, vẫn do Rizal Mantovani đạo diễn. Dưới ngòi bút của Alim Sudio, mình thấy cốt truyện hoàn toàn khác biệt so với hai mùa phim đầu tiên. Vốn gắn mác kinh dị, nhưng những gì diễn ra trong Ma Gương 3 lại hầu hết xoay quanh những hiện tượng siêu nhiên, phép thuật mà có phần thiên về viễn tưởng, giật gân.

Wukong nghĩ có thể đạo diễn muốn rút kinh nghiệm từ hai mùa phim trước, nội dung lần này mở rộng và tập trung về đối tượng trẻ hơn. Mình nghĩ điều này dễ xảy ra tính 2 mặt, nếu xét về mặt tốt, có thể nội dung phim đủ tạo bất ngờ so với những gì Rizal Mantovani đã làm trước đó, nhưng mặt hạn chế sẽ dễ bị mang ra so sánh với những tác phẩm có cùng chủ đề, chẳng hạn Harry Potter hoặc X-Men. 

Do Ma Gương 3 diễn đạt mọi thứ dưới góc nhìn của Dinda, theo chân nhân vật này, mình thấy bối cảnh và cách sắp xếp ở Mati Hati khá giống với ngôi trường Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân của Charles Xavier. 

Vì vậy, tuy khởi sắc có phần khác biệt so với 2 mùa trước, nhưng câu hỏi đặt ra là tựa đề và nội dung có liên quan với nhau không? Mọi thứ diễn ra và khiến mình cứ mãi đi tìm linh hồn trong gương, nhưng đổi lại chỉ là hành trình tìm ra sự thật bằng siêu sức mạnh của một phù thủy hay dị nhân Dinda nào đó?

>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Chỉ nên là phần phụ giải thích về ngôi trường Mata Hati

Có thể, cách mở rộng phạm vị bối cảnh và chủ đề lần này của nhà làm phim đang muốn đi theo xu hướng phim điện ảnh ngày nay, đó là tạo một nhân vật anh hùng có siêu năng lực, phổ biến nhất là: telekinesis (di chuyển đồ vật bằng suy nghĩ) và anh hùng ấy sẽ điều tra những bí ẩn quanh tình huống họ gặp phải. 

Wukong chắc với các bạn rằng, nếu theo dõi Ma Gương 3, mọi người sẽ phải đồng ý với suy nghĩ của mình và gặp đâu đó những hình ảnh quen thuộc của Hogwarts hoặc trường đào tạo dị nhân.

Hơn nữa, Ma Gương 3 vẫn chưa thể chứng minh sự cải tiếng chất lượng của chuỗi phim về mặt hình ảnh, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình. Wukong nghĩ rằng liệu do đối tượng nhà làm phim hướng đến là những khán giả trẻ nên họ nghĩ chúng mình sẽ dễ dàng bỏ qua những lỗ hổng nhỏ chăng? Ngay cả cách xây dựng nhân vật cũng không có chiều sâu, thậm chí việc Dinda hy sinh ở một số phân đoạn, cảm xúc của mình như một “dòng sông phẳng lặng”.

Đến đây, mình chợt nhớ đến một bộ phim cũng có bối cảnh tương tự, nhưng lại làm ổn hơn nhiều, đó là Fate: Winx Saga, tác phẩm chuyển thể từ bộ hoạt hình Winx Club nổi tiếng, từng phát sóng trên Netflix. Như mình thấy, nhiều tác phẩm thiết kế kịch bản quanh một bối cảnh nhất định thì đòi hỏi phải tạo độ sâu về mặt hình ảnh, không gian và âm thanh, thì khi xem mình mới cảm nhận hết sự trù phú của tác phẩm ấy.

Cách Ma Gương 3 xây dựng cốt truyện theo công thức của những diễn biến đã lỗi thời khiến mình hoàn toàn mất niềm tin về ngành điện ảnh của Indonesia, liên tục tập hợp nhiều xung đột, mâu thuẫn quanh một diễn biến chính, mình xem Ma Gương 3 mà như đang coi lại những bộ phim cũ của Hollywood vào đầu những năm 2000. 

Có thể hoan nghênh cho tinh thần học hỏi và khai thác ý tưởng khi pha trộn yếu tố giả tưởng với kinh dị khá thú vị. Nhưng không may biên kịch chưa có sự nhất quán rõ ràng khiến mọi thứ trong Ma Gương 3 trở nên mâu thuẫn với câu chuyện mà anh ấy đang phát triển. Do đó, trải qua 3 phần của bộ phim này, Wukong luôn cảm thấy vô lý, nhạt nhẽo và kết thúc cực nhàm chán với một cốt truyện dài dòng.

>>> Xem thêm: Ma Gương 3: Kinh dị dân gian pha chút hơi hướng siêu anh hùng

Việc chỉ đạo của Mantovani cũng không thể giúp Ma Gương 3 khởi sắc hơn. Những hướng đi mà đạo diễn đưa ra hầu hết đều đơn điệu. Mỗi phút trong thời lượng dài đằng đẵng của phim, mình cảm thấy Mantovani đang cố thể hiện những điều yếu kém nhất. Chỉ cần nhìn vào nửa cao trào giữa thời lượng, khi Adela và Miko cố gắng cứu Dinda và những người bạn của cô ấy và sau đó lại để một số nhân vật nhí hy sinh oan uổng. Hay cách giải quyết “trùm cuối” chỉ bằng hát bài Lengsir Wangi. Xem đến đây, mình kiểu: “Ủa?”.

Tựu trung, Ma Gương 3 thật sự là một phần hậu truyện không hay với mình, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình trở xuống. Thiết nghĩ các nhà làm phim cần cải thiện hơn để thương hiệu của Kuntilanak nói riêng và nền điện ảnh Indonesia nói chung, tốt hơn trong tương lai. Nếu Wukong chấm 2.5/10 thì có quá không nhỉ?

Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.

* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet




Sau Ước hẹn mùa thu vẫn nhiều khán giả thòm thèm câu chuyện tình tuổi học trò ngây ngô, vụng dại thì đến Tháng 5 để dành Touch Cinema đã phải thốt lên ngay giữa rạp rằng: Đây mới đúng là thanh xuân của tôi.

Kịch bản phim xuất sắc

Nếu chàng trai, cô gái năm 17 tuổi vẫn còn nắm tay bạn; nếu tuổi 17 bạn đã từng có một tình yêu khiến trái tim luôn rộn ràng mỗi buổi sáng đến lớp. Vậy thì hãy ra ngay Touch Cinema để theo dõi Tháng 5 để dành nhé, thanh xuân của lứa tuổi 8x và 9x được truyền tải trọn vẹn và xuất sắc qua từng khung hình.

Một thời để nhớ và để dành

Tháng 5 để dành được chuyển thể từ cuốn hồi ức “huyền thoại” Ranh giới của blogger Rain8x – Hoàng Trung Hiếu từng gây bão trên Blog 360 cách đây gần 10 năm. Câu chuyện được ra đời đúng thời điểm ad 17 tuổi, vậy nên bộ phim không chỉ được ad mà còn được rất nhiều bạn bè của ad chờ đợi. Và thật tuyệt vời khi cuốn “hồi ức” huyền thoại đã được chuyển thể trọn vẹn dù vẫn còn một số lỗi nhỏ như hạt cát giữa sa mạc.

Bộ phim được lấy bối cảnh vào năm 2001 dưới góc nhìn của Hiếu – học sinh lớp 11 cũng là nam chính của phim. Hiếu cũng giống như bao chàng trai cùng lứa tuổi khác, có một nhóm bạn lầy lội, có một người mẹ luôn cằn nhằn chuyện học hành và cũng thầm thương trộm nhớ cô bạn lớp phó học tập xinh đẹp, học giỏi Mai Ngọc như rất nhiều nam sinh trong lớp.

Sau rất nhiều ngày chỉ biết ngắm nàng và vẽ đủ những viễn cảnh lãng mạn trong mơ, cuối cùng Hiếu cũng đã dũng cảm tỏ tình với Mai Ngọc theo cách đậm chất “chàng trai mới lớn”. Đôi bạn trẻ từ đó có những tháng ngày bên nhau đầy niềm vui và hạnh phúc, nhưng rồi cũng dần xảy ra nhiều trắc trở hơn.

Đối với những độc giả của Ranh giới, cốt truyện của Tháng 5 để dành đã thuộc nằm lòng đến từng chi tiết. Hoàn toàn không có bất kỳ tình huống nào bất ngờ, có chăng là chờ đợi một cái kết mà gần 10 năm nay vẫn chưa một lần được tiết lộ. Thế nhưng chắc chắn khán giả sẽ phải thất vọng, vì chẳng có phúc lợi nào Rain8x mang đến cho những độc giả trung thành của mình đâu. Song cảm giác thất vọng đó chẳng ở lại lâu, vì một phần độc giả sợ cái kết của Hiếu và Mai Ngọc sẽ không như ước nguyện của nhiều người. Vậy nên cái kết của Tháng 5 để dành được rất nhiều khán giả ủng hộ, bởi vì những gì mà người xem có được qua bộ phim này đã khiến họ thỏa nguyện.

Bộ phim mang đến cho khán giả cái nhìn khác biệt hơn so với những tác phẩm điện ảnh khác về tuổi học trò như Ước hẹn mùa thu hay Tháng 5 rực rỡ, vì Tháng 5 để dành rất chân thực. Ở cái bối cảnh mà máy điện tử 4 nút vẫn còn phổ biến với những trò chơi như Rồng đen, Yahoo chat hot như Instagram thời hiện tại, 1 tiếng ngồi net 2 ngàn vẫn còn quá đắt và 10 ngàn thua cược đá bóng đủ để ngơ ngẩn cả ngày. Tuổi học sinh vẫn còn mừng sinh nhật nhau bằng những tấm hình Đan Trường, Cẩm Ly, Tuấn Vũ… để dán khắp phòng. Những vấn đề sinh lý hay bí kíp đàn ông vẫn được truyền tay nhau đầy bí mật. Tất cả đã khắc họa một tuổi thanh xuân đầy dữ dội. Thích người khác mà chần chừ chẳng dám thổ lộ, rồi đọc Chánh Văn xem có cách nào để tỏ tình không.

Chính vì vậy đây mới chính là thanh xuân của ad và của lứa tuổi 8x, 9x. Lúc đó chúng tôi chẳng có điện thoại để nhắn tin, có thích nhau cũng chỉ có thể viết thư tay gửi nhau. Khi đó với chúng tôi yêu đương tuổi học trò vẫn còn ghê gớm lắm, sợ bạn bè, thầy cô và cha mẹ biết nên lên lớp chẳng dám đứng cạnh nhau, chỉ dám đứng nhìn nhau từ xa. Tuổi 17 của chúng tôi cũng như Hiếu, như Ngọc hay Sơn lác đi chiếc xe đạp cà tàng lên lớp, trong túi chỉ có 1 ngàn ăn bánh rán, dán những mảnh giấy trêu đùa lên lưng đứa ngồi đằng trước, vẫn vì báo tường viết vẽ cái gì mà cãi nhau chí chóe.

Tuổi thanh xuân của lứa 8x, 9x chúng tôi được truyền tải trọn vẹn trong Tháng 5 để dành. Vậy nên dù cảnh 18+ chỉ còn là cảnh 16+ thì cũng chẳng thất vọng, dù đêm đi lạc hình ảnh nhập nhòe, dù vẫn chưa có một cái kết cho Hiếu và Ngọc thì cũng đâu có sao. Quan trọng là chúng tôi thấy được chính mình trong Hiếu, trong Ngọc, Sơn lác và trong cả những con đường đến trường đầy sỏi đá hay mái nhà mà hàng đêm vẫn trốn cha mẹ trèo lên ngắm sao và tưởng tượng đến ngày mình lớn.

Dàn diễn viên diễn xuất ấn tượng

Diễn viên và diễn xuất

Một điểm cộng giúp Tháng 5 để dành nhận được lời khen ngợi đến từ khán giả, đó là dàn diễn viên hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật.

Mai Ngọc của Minh Trang không chỉ đẹp mà còn mang nét ngây thơ, trong sáng đúng tuổi với tính nhút nhát khi hẹn hò với bạn trai hay là một cán bộ lớp mẫu mực. Xuân Hùng vai Hiếu là một chàng trai đầy thú vị, khi thì nghịch ngợm với lũ bạn, lúc thì ngơ ngẩn vì cô bạn cùng lớp, sợ hãi khi tỏ tình và có những hành động quá giới hạn. Nhưng quan trọng hơn anh bạn Xuân Hiếu này có khuôn mặt hơi hơi giống với anh bạn ad từng thích hồi vừa tốt nghiệp cấp 3 nên càng xem phim càng thấy nhớ ngày xưa hehe.

Âm thanh và hình ảnh

Bối cảnh Tháng 5 để dành được lựa chọn rất tốt với những khung hình dù không quá chau chuốt nhưng lại tuyệt đẹp với cánh đồng lúa, hồ nước tĩnh lẵng, những con đường mòn chẳng đẹp nhưng lại gần gũi với những người dân tỉnh lẻ. Kết hợp với những ca khúc đầy cảm xúc quen thuộc ngày xưa, hay những bài hát dành riêng trong phim, càng giúp bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.

Tháng 5 để dành thực sự là một bộ phim tuyệt vời. Vậy nên đừng bỏ lỡ tác phẩm này các bạn nhé!


Nguồn: Touchcinema