REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt Phim HAY [ReviewTomTat.Com] Tổng Hợp Tóm Tắt, Review, Reaction Phim

Tóm Tắt Phim HAY [ReviewTomTat.Com] Tổng Hợp Tóm Tắt, Review, Reaction Phim

Tuy không hoàn toàn sở hữu một kịch bản hay, nhưng những gì mà Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) mang lại, mình chỉ có thể gói gọn trong 1 từ: Đủ. 

Đủ ở đây chính là bộ phim tạo ra nhiều tình huống dồn dập liên tục, nhưng mình thấy nó không thừa một chi tiết nào. Thậm chí, cả giai đoạn mà từng nhân vật đi truy tìm kẻ ẩn danh thật sự, nó làm mình thấy Bullet Train là một chuyến tàu bất ổn, giống như đang chơi ma sói vậy!

Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) bắt đầu mọi thứ với anh chàng được quản lý gọi bằng Ladybug (Brad Pitt), là một sát thủ lành nghề vừa kết thúc kỳ nghỉ hưu của mình, anh được quản lý Maria (Sandra Bullock) giao nhiệm vụ thu hồi chiếc vali trên chuyến tàu cao tốc ở Nhật. 

Tưởng chừng là một phi vụ “dễ xơi” nhưng nào ngờ nhiều biến cố ập đến với anh, Ladybug phải đối mặt với vô số thế lực bí ẩn, như cặp anh em sinh đôi Lemon (Brian Tyree Henry) - Tangerine (Aaron Taylor-Johnson), The Wolf (Bad Bunny), The Prince (Joey King). Đa số đều đang nhắm tới chiếc vali sặc mùi đô la kia!

Trước hết, sự hấp dẫn của Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) với mình không chỉ là cách hãng phim liên tục quảng bá bộ phim bằng những tấm poster màu mè, đúng chất Nhật Bản, mà chính là việc nhà làm phim mời hẳn những sao Hollywood tên tuổi như: Brad Pitt, Aaron Taylor Johnson, Sandra Bullock, Joey King, Brian Tyree Henry… góp mặt.

Điều này với mình nó không chỉ là một cách giúp hình ảnh và tên tuổi của Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) ghi dấu nhất định, đó là chưa kể đến việc đạo diễn mời hẳn dàn diễn viên Nhật cộng tác trong dự án lần này, mà còn là cách đánh dấu khả năng diễn xuất của Brad Pitt luôn ổn định với những bom tấn hành động quen thuộc.

>>> Xem thêm: The Gray Man: Màn truy đuổi thú vị giữa Búp Bê Ken và Captain America

Trước đó, với một chàng huấn luyện viên Jack đầy khôi hài, dí dỏm trong The Lost City, Bánh Đúc phải cười lên cười xuống bởi độ “bựa” của “quý ngài Smith” này.

Lần này với Bullet Train, diễn xuất của anh không chỉ thành công ở những pha hành động cực căng với những diễn viên khác, mà đặc biệt khả năng tấu hài thông qua những tình huống Ladybug gặp phải, làm mình lại một phen “mệt cả bụng” vì cười quá nhiều.

Khi xem Bullet Train, mình tin chắc bạn sẽ thấy đâu đó những chất liệu quen thuộc từ Deadpool 2, chẳng hạn việc lồng những bản nhạc du dương vào các phân cảnh hành động, như thể các nhân vật đang phiêu bồng trong chính bầu không khí gay cấn mà họ tạo ra, hay những phân đoạn nhân vật hồi tưởng lại, nhà làm phim lại chèn những bản nhạc mà mình nghe nó rất là “ngáo”!

Chính điều đó, mình thấy nó lại tạo nên phong cách làm phim hết sức riêng biệt của David Leitch, đúng chất tếu và nhây! Nó không hề làm mình khó chịu khi xem Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu), chỉ là đôi lúc mình cảm thấy mắc mệt với mấy pha xử lý của dàn nhân vật, chẳng hạn ngay lúc căng thẳng nhất, Ladybug luôn phát ngôn câu nói quen thuộc: “Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác”. 

Nhiều lúc mình nghĩ trong đầu, quý ngài Smith của tui đâu mà để Brad Pitt thành ra như vậy! từ The Lost City qua tới Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu), anh cân cả hành động và hài hước.

Nói về kịch bản, so với những tác phẩm hành động khác như John Wick hay thậm chí mình thấy bộ phim có ý tưởng tương tự như Bullet Train The Commuter của đạo diễn Jaume Collet-Serra, thì câu chuyện về việc cả khối người đi tìm chiếc vali sặc mùi đô la này lại không thật sự hay.

Mình nghĩ điều mà nhà làm phim đưa ra chỉ đơn giản là một câu chuyện hành động dí dỏm, như những thước phim hoạt hình mà chúng ta hay xem thường ngày. Các pha hành động được đẩy ào ạt khi Ladybug và dàn nhân vật tấn công nhau, nó tạo cho mình một cảm giác như xem lại các phim của Cartoon Network vậy.

Trong lúc “động tay động chân” các nhân vật vẫn tranh thủ buôn lời chế giễu nhau, điều đó làm cho mình thấy Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) như một cách tự tin thể hiện phong cách làm phim của đạo diễn vậy. 

Giống như phương tiện chính của phim, Bullet Train vừa nhanh, vừa gọn, dứt khoát, mình thấy nhà làm phim đẩy tình huống nào là đi thẳng tình huống đó.

Hơn nữa, mình thấy họ khá tinh tế khi đưa những phân cảnh hồi tưởng trong quá trình bộ phim liên tục diễn ra, đặt vào những cuộc đối thoại giữa các nhân vật. Điều này giúp mình củng cố về mặt nội dung, có thể dễ dàng hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trên chuyến tàu cao tốc.

>>> Xem thêm: Conan - Nàng Dâu Halloween: Tựa phim như một cú lừa, diễn biến dễ đoán

Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) thật sự như một trò chơi ma sói các bạn ạ! Qua cả trạm, các toa tàu, mình thấy nhân vật Ladybug của Brad Pitt như trải qua một đêm đầy sóng gió khi anh không hề xung quanh, ai mới thật sự là “sói”! Tin mình đi, xem phim này các bạn đừng vội kết luận, màn hay còn đến tận cuối phim!

Nếu có thể so sánh, mình ví như Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) như một bài văn được trình bày theo hình thức quy nạp vậy, biên kịch liên tục đưa ra từng tình huống, từng đối thủ mà Ladybug phải đối đầu, nhưng rồi đến lúc các nút thắt được mở, cũng là thời điểm mình nhận ra “sói” hoàn toàn là một kẻ khác, đứng sau “giật dây” toàn bộ.

Bánh Đúc thấy tuy Bullet Train không hoàn toàn tạo cho mình một kịch bản hay, nhưng không thể phủ nhận 100% cực “phê” với phần nghe - nhìn của bộ phim. 

Quả thật, không thể nào nhầm lẫn phong cách làm phim của David Leitch được, vẫn là việc sử dụng âm nhạc hòa tấu cùng các phân đoạn hành động gay cấn, giúp bộ phim đạt điểm tối đa về hình ảnh, âm thanh với mình.

Cuối cùng là màn “chơi” lớn của David Leitch khi mời hẳn 2 khách mời “chất hơn nước cất” xuất hiện trong Bullet Train. Mình nghĩ nhân vật đầu tiên có thể khiến bạn hét một, chứ nhân vật thứ hai sẽ phải khiến bạn vừa vỗ tay vừa la làng đấy! Dàn cameo đúng đỉnh.

Tóm lại, Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) đúng nghĩa là một chuyến tàu bất ổn, những phân đoạn lồng ghép cảnh phía bên ngoài đoàn tàu đang chạy hết công suất, mình thấy như một phép so sánh tương đồng với bầu không khí trong chính từng toa tàu. Mình nghĩ may là chuyến tàu một chiều, chứ ai mà mua vé khứ hồi với Bullet Train có khi phải hoàn lại tiền đấy!

Còn bạn. Bạn nghĩ sao về phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Tội phạm vũ trụ, di chuyển giữa các chiều không gian, thời gian - những thứ mà tôi tưởng chừng chỉ được thấy ở phim Hollywood thì nay lại được tái hiện trong một bom tấn Hàn Quốc mang tên Alienoid: Cuộc Chiến Xuyên Không. 

Ban đầu, quả thực tôi đã rất nghi ngờ về chất lượng của phim khi nhồi nhét quá nhiều ngôi sao hạng A, cùng một nội dung có phần tham vọng thuộc thể loại sci-fi, vốn là điểm yếu của điện ảnh xứ sở kim chi. Chưa kể đến chiếc poster rối cả mắt, nhìn cứ như poster diễn hội chợ hay thể loại áp phích chục năm về trước, nhồi nhét cho đủ dàn diễn viên vào vì sợ bị càm ràm thiếu người này, vắng người kia. Nhưng sau khi thưởng thức bộ phim, tôi đã hiểu vì sao ê-kíp của đạo diễn Choi Dong-hoon lại tự tin khẳng định đây là bom tấn viễn tưởng hoành tráng nhất của Hàn Quốc.

Alienoid: Cuộc Chiến Xuyên Không dẫn dắt chúng ta tới 2 cột mốc thời gian chính: Thời điểm hiện tại ở trái đất, người ngoài hành tinh Guard (Kim Woo-bin) và trợ lý Thunder đang thực hiện cuộc truy đuổi những kẻ phạm tội rồi giam chúng trong cơ thể con người; còn ngược về quá khứ thời Goryeo hơn 630 năm trước, pháp sư Muruk (Ryu Jun-Yeol) và “cô gái bắn sấm sét” Ean (Kim Tae-ri) đang tranh giành gươm thần có sức mạnh huyền bí với một kẻ đeo mặt nạ bí ẩn Jajang (Kim Eui-sung).

Sẽ không ngoa khi tôi nói rằng đạo diễn Choi Dong-hoon đã thách thức giới hạn tưởng tượng của người xem khi đem đến một kịch bản “out trình” với những trận chiến chưa từng có trên màn ảnh rộng trong suốt thời lượng 2 tiếng 22 phút. 

Dòng thời gian phi tuyến tính của phim khiến tôi liên tục rối rắm trong suốt gần 30 phút đầu của bộ phim, tôi chưa thể hình dung chuyện gì đang xảy ra khi cứ quay về thực tại rồi ngược về quá khứ. Mãi đến gần hồi 3 của phim, sự thật mới được hé lộ, con tàu vũ trụ cũng như sự kiện xuyên không của 2 bố con Ean là sợi dây để gắn kết 2 dòng thời gian. 

Hiểu được người xem sẽ cảm thấy bội thực thông tin, dễ rơi vào trạng thái nhàm chán trong quá trình thiết lập câu chuyện, nên ngay từ những giây phút đầu, các miếng hài đã liên tục được quăng ra từ nhân vật chính cho tới phụ. Sự hài hước, duyên dáng vừa đủ, không quá ô dề được đan xen hợp lý giữa những chi tiết giải thích hay các trận chiến căng não, giúp người xem có thêm khoảng không thời gian để “tiêu hoá” lượng thông tin dày đặc.

Tưởng rằng đây sẽ là một bộ phim “hội chợ” rối rắm, đủ thể loại từ xuyên không, người ngoài hành tinh, hành động, khoa học viễn tưởng, hài - tình cảm cho đến phim chưởng võ thuật, mà ở đó không có gì tới nơi tới chốn. Song, tôi đã nhầm!

Đúng là Alienoid là một chiếc phim thập cẩm, nhưng mọi yếu tố đều rất ấn tượng, chỉn chu, đẩy cảm xúc của người xem lên mức tối đa, từ đó tôi cũng như nhiều khán giả có cơ hội đồng cảm với nhân vật, rồi dễ dàng buồn vui khi họ trải qua hỷ nộ ái ố hay hồi hộp, lo sợ lúc họ bước vào cuộc chiến cam go mà chỉ có 1% thành công.

Tác phẩm kết thúc khi cuộc chiến chưa thực sự kết thúc và khán giả sẽ phải chờ đến tận năm 2023 để có thể xem tiếp phần sau. Thế nhưng, tôi không cảm thấy ức chế, mà thấy cách chia phần như vậy hoá ra lại hay ho. 

Với một kịch bản cồng kềnh như vậy thì thời lượng 142 phút rõ ràng là không thể đủ. Nhưng nếu cố kéo dài thêm để dồn vào một phần phim duy nhất sẽ khiến nội dung bị o ép, phải cắt gọt đi nhiều chi tiết hay, mà khán giả vẫn phải ngồi ngáp trong rạp bởi thời lượng quá dài. Nên tôi nghĩ những khán giả yêu mến phim của Choi Dong-woon sẽ đủ kiên nhẫn để chờ phần tiếp theo, như cách mà tôi phải đợi Dune của Denis Villeneuve những 2 năm trời vậy.

>>> Xem thêm: Người Môi Giới: Phim tựa dòng suối mát lành xoa dịu mọi tâm hồn

Để tạo nên sự thành công của Alienoid, chắc chắn phải kể đến dàn sao hùng hậu, từ những gương mặt trẻ tuổi đang hot, đến những ngôi sao hạng A gạo cội. Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, rằng hệ thống ngôi sao sẽ chen chúc nhau để giành spotlight, cuối cùng không ai vụt sáng. Alienoid lại có màn chia đất diễn hết sức hợp lý, để nhân vật nào cũng để lại dấu ấn, cho dù họ có đảm nhận vai siêu phụ. 

Nổi bật nhất trong dàn sao chắc chắn là Kim Woo-bin với gương mặt điển trai, lạnh lùng, cool ngầu thương hiệu của mình. Tuy nhiên, điểm thú vị là lần này, anh phân thân thành 2 nhân vật khác nhau, một người tính cách khép kín, vô cảm đúng chất người máy, một người hoạt náo, vui vẻ. 

Trong cả 2 nhân vật, anh đều dễ dàng lấy được cảm tình của người xem. Kim Woo-bin vừa là người bảo vệ trái đất, vừa là người cha bất đắc dĩ tưởng chừng lãnh đạm nhưng luôn đem lòng trắc ẩn với cô con gái Ean. Chính sự dễ mến của anh, khiến tôi dần đồng cảm với Guard, để rồi lo lắng, hồi hộp cùng nhân vật trong những phân cảnh anh phải một mình combat với dàn phản diện.

Còn với nam diễn viên Ryu Jun-yeol, anh xứng đáng với danh hiệu thánh hài cổ trang. Trong tạo hình một pháp sư ngu ngơ, vô tư và thản nhiên với đời, Muruk khiến tôi phải bật cười ngay từ những giây phút đầu anh xuất hiện. Không lúc nào anh ngừng tấu hài, ngay cả khi đang tung cước múa quyền cùng 2 gã “mèo khùm” Chân Trái (Lee Si-hoon) - Chân Phải (Shin Jeong-geun). Bộ 3 này làm cả rạp cười ngả nghiêng bằng gương mặt vô cảm mỗi lần quăng miếng hài siêu mặn mòi. 

“Cô gái bắn sấm sét" Ean được đảm nhận bởi Kim Tae-ri tuy xuất hiện muộn màng nhưng cũng để lại ấn tượng bằng những pha hành động đẹp mắt, biểu cảm ngầu như một đả nữ Hollywood. Tôi nghĩ trong phần tiếp theo, cô và Muruk sẽ trở thành nhân vật trung tâm và được tập trung khai thác nhiều hơn về quá khứ lẫn số phận tương lai của họ. 

Bộ đôi pháp sư của Cheong-woonYum Jung-ah chắc chắn là điểm nhấn duyên dáng và thú vị nhất của phim. Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng họ lại mang đến những màn tấu hài duyên dáng với hàng loạt đạo cụ pháp thuật được “sale sập sàn” nhưng không ai mua. Đến ngay cả khi đã vào trận chiến, bộ đôi này vẫn có thể tấu hài khiến người xem cười muốn nội thương. Nhắc đến đây, tôi lại phải dành cho đội ngũ phiên dịch điểm 10, bởi vì họ làm việc quá có tâm. Chính cách phiên dịch cực trendy của họ đã làm tăng sự hài hước của phim lên bội phần. 

Điều khiến tôi bất ngờ nhất, có lẽ là nhân vật cảnh sát của chú So Ji-sub hoá ra lại trở thành phản diện bất đắc dĩ. Mặc dù không có quá nhiều phân cảnh, nhưng nam tài tử vẫn khiến tôi ấn tượng, nhiều lần rợn người trước ánh mắt vô hồn, lạnh lùng, không cảm xúc. Cách diễn với ánh mắt khiến So Ji-sub không cần phải thoại quá nhiều nhưng cũng đủ để người xem hiểu đây là một phản diện u ám ra sao.

Từ trước đến nay, sci-fi vốn không phải thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Nhiều tác phẩm của xứ kim chi về đề tài khoa học viễn tưởng vẫn bị gán mác kỹ xảo 3 xu. Nhưng tôi có thể tự tin khẳng định Alienoid sẽ xóa tan định kiến ấy của nhiều mọt phim. 

Bởi lẽ phần kĩ xảo đã được nâng lên một tầm cao mới. Bằng chứng là những trận chiến hoành tráng trong phim mãn nhãn, ấn tượng không kém gì phim hành động hay siêu anh hùng của Hollywood. Ngay cả khi chiến đấu trong đêm, cảnh quay vẫn sáng rõ, chứ không cần cố tình chỉnh tối tăm mù mịt để che đi những khiếm khuyết trong phần công nghệ. 

Alienoid quả thực đã chiêu đãi khán giả bằng phần nhìn đã cái nư. Những con tàu không gian lơ lửng giữa không trung hay các sinh vật ngoài vũ trụ bị nhốt vào bên trong con người được làm khá chi tiết, chỉn chu, sắc nét. Đặc biệt, những màn tỉ thí võ công của các ngôi sao cũng hết sức mượt mà. Chẳng hạn như khi Muruk tung chưởng hay Ean uốn người để cho kẻ thù “ăn kẹo đồng”, tất cả đều mãn nhãn. Phần hành động của Alienoid là sự kết hợp giữa cổ - kim, Á Đông - Tây Phương, vừa có kiếm hiệp võ thuật vừa chiến đấu bằng “hàng nóng” hiện đại.

>>> Xem thêm: Decision To Leave: Tuyệt tác trinh thám lãng mạn nhất tôi từng xem

Không cần phải nói nhiều, tôi nghĩ Alienoid xứng đáng với số điểm 9/10 với kỹ xảo mãn nhãn, kịch bản ấn tượng, chặt chẽ, “nội dung” xinh trai, đẹp gái, đã vậy còn biết tấu hài. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn thưởng thức bộ phim này tại phòng 4DX hoặc IMAX để thấy được kỹ thuật làm phim của Hàn Quốc đã đi xa tới đâu.

* Bài viết của Hoa Le chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Dạo này thấy mọi người đang rần rần với phim hoạt hình Liên Minh Siêu Thú DC nên mình cũng muốn giới thiệu đến các dàn liên minh siêu thú đáng yêu không kém mà còn mang đậm nét châu Á đâu nha. Đó là Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long, “hàng mới” của thương hiệu hoạt hình đình đám nhất xứ Hàn.

>>> Xem thêm: Giải mã sức hút của Pororo: Tạo hình dễ thương, ai rồi cùng phải mê

Tương tự như bộ phim mình vừa kể trên, Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long cũng là hành trình đi giải cứu đồng đội đang bị gã xấu bắt đi mất. Dẫn đầu đoàn “vệ binh” chính là chú chim cánh cụt ngộ nghĩnh Pororo cùng những người bạn của mình bao gồm gấu Poby, hải ly Loopy, nàng cánh cụt Petty, cáo Eddy, chim sẻ Harry.

Nhiệm vụ lần này của cả bọn là đi đến đảo Khủng Long để giải cứu 2 người bạn khủng long là Crong và Alo trước Mr.Y - tay buôn động vật khét tiếng. Đương nhiên hành trình sẽ trải qua vô vàn sóng gió và các bạn nhỏ của chúng ta phải đồng lòng hết sức mới có thể cứu được những người bạn của mình.

Ưu điểm vốn có của phim hoạt hình chính những hình ảnh tràn ngập màu sắc vui tươi, lạc quan xuyên suốt. Mình nhận thấy Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long lần này cũng vậy, thậm chí là bộ phim còn sặc sỡ đáng yêu quá thể nữa kìa. Mình nhìn còn thấy mê đắm chứ huống hồ gì cho tụi nhỏ xem.

Tạo hình cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút đặc biệt đối với dòng hoạt hình. Và Pororo là một trong những thương hiệu nổi tiếng với những hình thù ngộ nghĩnh, lém lĩnh không chỉ đối riêng với Hàn Quốc mà mình còn thấy so với tổng thể của châu Á vẫn thuộc hàng “top”. 

Không hiểu sao chứ mình thấy tạo hình của bộ phim này trông cứ giống như những hình thù được nặn từ đất sét vậy. Bởi thế nên đặc biệt mang lại cho mình một cảm giác gần gũi đến khó tả. Mà tui mê nhóc Pororo dữ thần, cái chân ngắn ngủn mà chạy lúc lắc thấy cưng dễ sợ. Nhìn cute vậy chứ làm thủ lĩnh cũng ra trò lắm à nghen, mình khá thích những pha xử lý tình huống thông minh còn pha cả hài hước trong đó nữa chú cánh cụt này đó.

Điểm đáng yêu mình thấy được trong Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long nữa chính là màn lồng tiếng đúng với tinh thần thiếu nhi của bộ phim. Phần nhìn ổn áp rồi giờ cộng thêm việc nghe ăn điểm nữa thì độ đốn tim phải nhân lên gấp đôi lận đó.

Dù mang đậm tinh thần dễ thương nhưng bộ phim không quên khéo léo lồng ghép vào những thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa. Đó là những tình cảm bạn bè trong trẻo, đáng trân quý. Bên cạnh đó còn là bài học về sự đoàn kết và lòng yêu thương khi hoạt động trong một tập thể. Dù chỉ là những đứa trẻ yếu đuối nhưng khi chúng quyết tâm hợp lực lại thì gã tiến sĩ Mr.Y cũng đành chào thua với sức mạnh đoàn kết đó.

Với mình thì đây chỉ là bộ phim thuần túy dành cho thiếu nhi thôi, nên thông điệp cũng đơn giản hết mức có thể để các bé có thể dễ dàng hiểu được. Bởi thế nên bộ phim cũng không quá đặc sắc để thu hút được nhiều khán giả “lớn” ngồi xem. So với những bộ hoạt hình “đao to múa lớn” bây giờ thì Pororo khá thua thiệt về việc tự giới hạn độ tuổi của mình.

So với bản truyền hình trước đó thì mình thấy bản điện ảnh này cũng không có nhiều mới lạ. Dù tổng thể là ổn nhưng lại không có gì nổi trội để thu hút người xem.

>>> Xem thêm: Pororo, Pody và dàn nhân vật cưng xỉu trong phim điện ảnh Pororo

Mình còn thấy rằng Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long chỉ nên dừng lại là một bộ phim truyền hình và chiếu trên những nền tảng mạng xã hội khác thôi. Còn việc đưa lên màn ảnh rộng thì bộ phim chưa đủ “mạnh” để có thể vượt qua được cái bóng chính mình và cạnh tranh với những bộ phim khác.

Đó là những cảm nhận của riêng mình về Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long. Còn bạn, có suy nghĩ gì về bộ phim thì để lại bình luận bên dưới nhé.

* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Vốn dĩ không kì vọng nhiều về Kẻ Đào Mồ nên Người Đi Trên Dây cũng không lấy làm lạ với những trải nghiệm khá tệ khi xem phim. Với kịch bản rời rạc và các màn thể hiện khá “ô dề”, đặc biệt là màn lồng tiếng nghe rất mệt của các nhân vật, Kẻ Đào Mồ mang lại những tràng cười cho Người Đi Trên Dây nhiều hơn là nỗi sợ của một phim kinh dị. 

Kẻ Đào Mồ lấy bối cảnh vào thế kỉ 19 tại một làng quê nọ ở nước ta dưới thời Pháp thuộc. Sở cẩm (tên gọi của cơ quan điều tra thời xưa) đang đau đầu khi phải giải quyết hàng loạt vụ việc nơi yên nghỉ của nhiều người giàu có trong làng bị bới tung lên nhằm “thó” các đồ vật có giá trị. 

Phó sở cẩm là Trọng Minh (Nhất Duy) được giao nhiệm vụ làm rõ vụ việc. Cô gái nghèo Bạch Liên (Trương Thị May) làm nghề quét mộ là đối tượng tình nghi hàng đầu. Trong quá trình đó, Minh nảy sinh tình cảm với Liên và hiểu được hoàn cảnh của cô. Bạch Liên vì thương mẹ mắc vấn đề sức khỏe phải uống vàng mới khỏi. 

>>> Xem thêm: Kẻ Đào Mồ: Phim tâm linh, trinh thám lấy bối cảnh nghĩa trang xưa

Điều đầu tiên và có lẽ là điểm cộng duy nhất của Kẻ Đào Mộ chính là ngoại hình khá sáng của Nhất Duy và Trương Thị May. Cả hai có độ đẹp đều nhưng điều đó cũng chẳng thể cứu nổi bộ phim này. 

Phim có một kịch bản không thể lỏng lẻo khi mà lãng mạn cũng không ra lãng mạn, điều tra cũng không ra điều tra và kinh dị cũng không ra kinh dị nốt. Tổng thể cứ như một nồi thập cẩm lộn xộn nhưng hương vị lại vô cùng nhạt nhẽo. 

Các vụ việc “thó của” tại mộ được mở ra khá bình thường khi người thân của họ đến sở khóc lóc ỉ ôi. Tuy nhiên quá trình từ đây bắt đầu trở nên lộn xộn và rối tung rối mù hơn bao giờ hết. Thay vì dùng các chiến thuật như “dụ khỉ lên cây” hay đơn giản là cử người lén theo dõi khu mộ thì biên kịch lại chọn một pha xử lí khá đi vào lòng đất. 

Nghiệp vụ điều tra mà tối ngày lẽo đẽo theo chị gái Bạch Liên chỉ để hỏi mấy câu cực kì vô lí. Các khai thác câu hỏi thì không thể kì quặc hơn. Và thêm một tình tiết khiến mình thấy bó tay luôn là anh chỉ huy điều tra mà tình nguyện chui vô "thùng 6 tấm" để tìm ra người đào mộ nhưng ai dè bị đàn em thủ tiêu. 

Chưa kể đến chức năng của các quan trong sở cẩm khá là chồng chéo nhau. Khi lần lượt bắt kẻ tình nghi về thì cấp thấp lúc cấp cao thẩm vấn. Các thẩm vấn cũng chỉ xoay quanh việc trợn trừng đôi mắt, tác động vật lí đến bàn ghế xung quanh mà chả đá động được gì tới người tình nghi. 

>>> Xem thêm: Chị Chị Em Em 2 và những phim Việt sắp ra mắt đều đáng mong đợi

Một điều nữa mình thấy Kẻ Đào Mộ làm khá tệ đó là không toát ra được không khí của thế kỉ 19 như đã giới thiệu trước đó. Ngoài những bộ đồ nông dân ra thì thôi các trang phục quan lính thời đó cũng may không được tinh tế lắm. Thậm chí là phần hóa trang cho người nhà của các nhân vật đã ra đi có phần lấn lướt khi lắm vòng kiềng và nhiều má phấn môi son. 

Không khí miệt vườn cũng chẳng toát ra được bởi những người nông dân đối thoại rất văn vở, giọng nói còn truyền cảm hơn cả diễn viên lồng tiếng luôn. Các đại từ nhân xưng thay vì “moa” - “toa” thì lại đổi thành “mày” - “tao”, “tôi” - “cậu” rất giống thời hiện đại. Thêm một điều chưa liền lạc trong lời thoại nữa đó là quan ba người Pháp ra lệnh bằng tiếng Việt thì lính lác lại trả lời bằng một tràng tiếng Tây làm mình muốn vô tri luôn trong rạp. 

Về yếu tố tình cảm nảy sinh giữa Trọng Minh và Bạch Liên thì mình thấy mắc cười nhiều hơn là xúc động hay rung rinh bởi các lời thoại khá là đi vào lòng đất của anh chàng phó cẩm này. Ế bằng thực lực chắc chắn là cụm từ dành cho anh chàng này luôn. 

Một trong những câu thoại kinh điển đậm chất vô tri và thậm chí là kém duyên của anh chàng này có thể kể đến là "Em có đôi mắt giống mẹ anh, nãy em đứng cạnh mộ mẹ anh mà tự hỏi tại sao có người giống đến vậy". Trong cùng một bối cảnh mà đại từ trong lời thoại của nhân vật cũng sử dụng lung tung "Bạch Liên cô có thấy vui không, hôm nay tôi thấy hạnh phúc lắm. Được nhìn thấy em cười là hạnh phúc đời tôi". 

Mình có cảm tưởng như các lời thoại được chen nhét vào để lấp đầy thời lượng hoặc cố tình muốn chọc cười nhưng làm chẳng tới đâu. 

Thêm một điểm trừ nữa của phim là lối lồng tiếng vô cùng kịch hóa và không thể nào “ô dề” hơn. Ngay cả các phim ông hội đồng, bà huyện lệnh khác được chiếu dưới dạng bản truyền hình cũng không thể cường điệu và được chỉnh dưới âm lượng to đến vậy. 

Âm thanh của phim cũng mắc lỗi lãng xẹt khi nhạc đi đường nhạc hình đi đường hình. Các đoạn nhạc được chèn vào những phân đoạn kịch tính thì lại có không khí vui tươi còn khi buồn thì ngược lại. Đặc biệt là ca khúc Vùng Trời Bình Yên với một giai điệu không thể lạc quẻ hơn hoàn toàn sượng trân và không ăn rơ gì với hai nhân vật trên màn ảnh. 

Kẻ Đào Mồ cũng mắc một lỗi thường thấy đó là thêm quá nhiều nhân vật phụ thêm mà không để làm gì. Không có các nhân vật như Xiểng, Phan và các quan ba trên thì mình thấy cũng chẳng ảnh hưởng mấy. Thậm chí là anh chàng nam thứ chính Lục nếu không tung được vài cước cho oai thì chắc cũng chẳng để làm gì. 

Nhiều tình tiết cũng được nhấn mạnh nhiều lần khiến làm tốn kha khá thời lượng phim. Đơn cử như cảnh chè chén vào nửa đêm ở nghĩa trang của băng lạ mặt hay hình ảnh cô thư kí thì thôi ưỡn ẹo với khúc nhạc lãng nhách quen thuộc, thỉnh thoảng giơ ngón tay đeo nhẫn áp út lên mà chẳng có ý nghĩa gì. 

Và do kịch bản thiếu đất diễn nên lối diễn của cả nam chính và nữ chính diễn có đúng một màu. Nữ thì thường xuyên xuất hiện với câu thoại "em đội ơn", "em mang ơn" và nét diễn cúi đầu. Các giai đoạn tình cảm phát triển rất chi kì cục kẹo khiến mình không hiểu nổi tại sao khúc cuối nữ chính đồng ý bỏ trốn chung với anh nhau. 

Điểm gây ức chế nhất phim đó chính là kết thúc lãng nhách và giải quyết gần như chẳng thỏa đáng với bất kì nhân vật nào. Kịch bản cũng vướng lỗ hổng khi giải thích danh tính “kẻ đào mồ” một cách lờ mờ, thiếu thuyết và nhồi nhét về cuối. Các phân đoạn hù dọa cũng khá vô lí và khiến mình phải bật cười khi cô bán chè đậu xanh nửa đêm đi vào nghĩa trang chào hàng. 

Nhìn chung, Kẻ Đào Mồ quả thực là một phim kinh dị với quá nhiều thiếu sót lớn và thậm chí thua luôn các phiên bản truyền hình cùng đề tài. Đây cũng là một kinh nghiệm lớn cho nhà làm phim khi đã nhồi nhét một cách vụng về nhiều yếu tố như lãng mạn, kinh dị và trinh thám vào cùng một tác phẩm. Thật lòng đã cố gắng tìm ưu điểm nhưng mình cũng chẳng lần ra được mấy từ Kẻ Đào Mồ

Nếu bạn đã xem phim, hãy để lại comment ý kiến bên dưới cho mình biết nhé. 

* Bài viết của Người Đi Trên Dây chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet

Là Mây Trên Bầu Trời Của Ai Đó vốn dĩ là dự án kết hợp Việt - Thái khiến Xì Bàng thấy háo hức ngay từ đầu bởi sự xuất hiện của dàn nam thần xứ Chùa Vàng gồm August và Push Puttichai. Và quả vậy, khi xem phim thì mình thấy ngoài những mỹ nam này và bài nhạc phim ra thì đúng là phim chẳng có điểm nào để khen hết nữa. 

Là Mây Trên Bầu Trời Của Ai Đó có nội dung xoay quanh chuyến hành trình đu idol tên Park (Push Puttichai) của cô nàng rich kid Mây (Ngọc Lan Vy) trên đất Thái. Để đón sinh nhật của mình, Mây quyết định sang Thái cùng Dưa Hấu (Trịnh Tú Trung) để thoát khỏi sự quản lí của gia đình. 

Tuy nhiên, Mây làm sao có thể ra khỏi được lòng bàn tay của vú nuôi (Hồng Vân) và 4 anh chàng vệ sĩ Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong các lần bỏ trốn để gặp thần tượng của mình, Mây đụng độ với anh chàng shipper điển trai là Boy (August) và dần nảy sinh tình cảm. 

>>> Xem thêm: Trailer Là Mây Trên Bầu Trời Của Ai Đó: Motif cũ, dễ đoán và dễ chán

Như đã nói ở trên thì điểm đầu tiên khiến mình ấn tượng với Là Mây đó là sự xuất hiện của hai nam thần làm sáng bừng màn ảnh là Dượng Chat và August. Mặc dù tạo hình quá là đơn sơ nhưng mà thần thái của hai anh tỏa ra rất chi là ngút ngàn. 

Thêm một điểm cộng hiếm hoi nữa cho phim nữa đó là bài nhạc phim ở cả phần tiếng Thái và tiếng Việt có sự đồng đều nhất định và mang lại cảm xúc rất trọn vẹn cho mình. Lời bài hát tiếng Việt cũng khá phù hợp với nội dung phim muốn truyền tải. 

Khen sương sương là vậy thôi chứ mình thấy phim hoàn toàn không đáp ứng được kì vọng của mình khi Thái không ra Thái mà Việt cũng không ra Việt luôn. 

Đầu tiên là phim có câu chuyện còn quá đơn giản, cách xây dựng tình tiết cũng không tạp được cao trào cho hành trình đu idol của cô bé Mây này. Mạch phim cũng diễn ra khá chậm khiến mình hoàn toàn không có cảm giác đây là một chuyến đi đu idol hay lưu lạc ở nơi đất khách quê người. 

Ngoài ra thì câu chuyện của Là Mây Trên Bầu Trời cũng mắc thêm lỗi vô lí đến khó hiểu bởi các chi tiết còn được khai thác lấp lửng gây khó chịu cho mình. Câu chuyện về việc Mây là “tiểu thư” và sự ghê gớm của “lão gia” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhưng chỉ lướt qua vậy thôi chứ hoàn toàn không có sự giải thích hợp lí nào cho việc bảo bọc cô bé này quá đà. 

Và thậm chí mình còn nghĩ rằng nếu Mây có đủ quyền lực của một tiểu thư đúng nghĩa trong truyền thuyết thì đã có thể đến fan meeting của idol mà chẳng cần phải trốn vệ sĩ để đi làm gì. Cô bé Mây cũng có phần quá là khờ khạo khi là một fan girl chính hiệu nhưng lại chẳng biết rằng phải săn vé để vào fan meeting và cũng chẳng biết được vài câu tiếng Thái thân sơ để xã giao với idol của mình. 

Phim cũng mắc thêm một lỗi nữa khiến thời lượng kéo dài vô tận đó là lời thoại của các nhân vật đều rất nhập nhằng và lủng củng. Mình thấy phim có rất nhiều đoạn đối thoại và tình tiết dư thừa, đặc biệt là ở đội vệ sĩ gồm 4 anh chàng Đông Tây Nam Bắc. 

Hai phân cảnh xoay quanh các anh vệ sĩ này chắc chủ yếu là để “khoe sắc” cho dàn nam thần Việt bởi tất cả những câu thoại thốt ra xoay quanh “nghĩa vụ” và “ước mơ” vô cùng sáo rỗng và gượng ép. Mình hoàn toàn không thể hiểu được vì sao một người “đơ” toàn tập như Hạo Đông lại được giao làm người cầm trịch cho bộ tứ này. 

Nhân vật vú nuôi do Hồng Vân thể hiện có tính cách một màu khi là người tham công tiếc việc và tuân lệnh ông chủ để bảo bọc cô bé Mây. Tuy nhiên, mình nhận thấy do kịch bản cố tình cường điệu hóa tính cách của nhân vật nên nét diễn của cô Hồng Vân lại mang sự “quá” của sân khấu hơn là màn ảnh. 

Thêm một điểm trừ nữa cho Là Mây nữa đó là diễn xuất nữ chính còn quá vụng về. Mình thấy rằng thời điểm này là quá sớm để Ngọc Lan Vy tham gia một dự án điện ảnh. Cô bé chỉ toàn gồng để làm tròn phát âm tiếng Anh nên lời thoại không có chút cảm xúc nào. 

Các góc máy cũng còn khá vụng về khi quay góc nào cũng khiến cô bé Mây dừ hẳn so với tuổi mới lớn của mình. Các phân cảnh trung cận khiến mình không khỏi bật cười vì trông bạn này đúng là ngang tuổi của mẹ nhân vật Boy như trong kịch bản thật.

Về phía các diễn viên xứ Chùa Vàng thì mình thấy nhỉnh hơn tí xíu nhưng cũng chưa thực sự nổi bật. Diễn xuất của August thì tạm được nhưng do có cách trở ngôn ngữ nên “phản ứng hóa học” giữa 2 nhân vật thực sự chưa có. 

August và Ngọc Lan Vy về cả ngoại hình lẫn tuổi đều có sự chênh lệch nên cũng chưa tạo được cảm xúc khi vào vai một cặp đôi rung động. Mình nghĩ rằng vai diễn Boy hoàn toàn không phải là một vai khó và nếu thay August bằng anh chàng “Thái - Việt" Lucas Công Dương thì mọi việc có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nhiều. 

>>> Xem thêm: Là Mây Trên Bầu Trời Của Ai Đó: Ngôi sao Pee Nak sánh đôi hoa hậu Việt

Nét đặc trưng của các phim điện ảnh Thái chính là yếu tố hài hước qua những màn tấu hài duyên dáng và những lời thoại dí dỏm. Mình thấy rằng nhân vật Dưa Hấu của Trịnh Tú Trung và Hải Triều được thêm vào để thực hiện vai trò này. 

Tuy nhiên, sự hài hước này chẳng những không hiệu quả mà gây ức chế là nhiều. Mỗi lần nhân vật Dưa Hấu đệm từ “please” vào lời thoại là mình cảm tưởng như phim dài ra thêm 10 phút. Ngoài ra, các miếng hài đến từ nhân vật James cũng không tạo được hiệu ứng đặc sắc như cách anh đã thể hiện trong loạt phim Pee Nak.

Mình thấy rằng sự xuất hiện của Push Puttichai và cuộc đối thoại giữa Mây - Park về cuối thực sự cũng chưa khai thác triệt để. Push xuất hiện với vai trò vô thưởng vô phạt như một cameo lướt ngang qua phim không hơn không kém. Khi nghe Mây nói những lời thật lòng thì anh cũng chẳng kịp đáp lại và sau đó là sự chuyển cảnh lãng xẹt. 

Với câu chuyện xoay quanh cô bé mới lớn Mây, phim đã cố gắng truyền tải thông điệp về gia đình và sự lắng nghe nhưng lại hoàn toàn thiếu thuyết phục. Mình thấy rằng các bài học chẳng được rút ra từ chuyến hành trình mà đi thẳng ra từ việc cho các nhân vật đọc lời thoại nên rât gượng ép. 

Ngoài backstory của Boy được khai thác ra thì câu chuyện của Mây lại hoàn toàn mơ hồ và cũng chẳng ai hiểu rõ đằng sau gia đình Mây đã xảy ra những gì. Lối xưng hô “tiểu thư", “lão gia” cũng hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh mà khiến mình liên tưởng tới các truyện tình cảm hoàng tử công chúa sến sẩm là nhiều. 

Thêm một điều nữa mình thấy khá đáng tiếc cho đoàn phim quay phim trên xứ Thái nhưng nhìn không ra Thái xíu nào. Quả thật là có vài đoạn tham quan chùa chiền và massage Thái nhưng khâu hình ảnh lại xử lí quá kém khiến mình nhìn mà cứ tưởng như đang ở Việt Nam luôn. Các cú máy toàn cảnh đều nhuốm một gam màu tối tăm như vũ trụ điện ảnh của DC vậy. 

Kết lại thì Là Mây Trên Bầu Trời Của Ai Đó thực sự ngoài dàn nam thần Thái ra thì các yếu tố còn lại hoàn toàn bất ổn. Nếu kịch bản phim được xây dựng với các tình tiết hợp lí hơn và thay luôn dàn diễn viên Việt thì mình thấy sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều. 

Bạn đã xem phim chưa, nếu có hãy comment bên dưới cho mình biết nhé.

* Bài viết của Xì Bàng chia sẻ tại box Mọt phim Review


Nguồn: Dienanhnet