REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên thanh tú

Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên thanh tú



Thưa mẹ con đi – một tác phẩm của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh về đề tài LGBT đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã đến từ khán giả sau khi phim kết thúc. Bộ phim đang được công chiếu tại Touch Cinema và tin chắc rằng sau khi theo dõi phim các bạn sẽ cảm thấy rằng bộ phim xứng đáng nhận được những tràng pháo tay tán thưởng đến từ khán giả.

Kịch bản phim được xây dựng tốt

LGBT không còn là chủ đề xa lạ trong điện ảnh, tuy nhiên từ trước đến nay có rất ít bộ phim có thể mang đến góc nhìn chân thực nhất về những gì mà cộng đồng LGBT và gia đình họ đã phải trải qua để có thể “come out”, sống thực với chính mình. Thưa mẹ con đi là một trong số ít tác phẩm làm được điều đó, theo cách chân thực, gần gũi và bình dị nhất.

Nội dung chân thực đến từng chi tiết

Thưa mẹ con đi là câu chuyện xoay quanh Văn và Ian. Văn là Việt kiều Mỹ, từng theo học và đang làm việc tại xứ sở cờ hoa. Ian là người Việt quốc tịch Mỹ, theo gia đình sang đó định cư từ khi con nhỏ. Số phận rui rủi cả hai gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với nhau, họ đã có với nhau những kỉ niệm thật đẹp cho đến khi Ian quyết định theo Văn về quê nhân dịp bốc mộ cha và ông nội.

Đã quen với lối sống và văn hóa phương Tây hiện đại, vậy nên Ian đã bị “khớp” khi quay lại Việt Nam và gặp gỡ các thành viên trong gia đình Văn – một đại gia đình đông thành viên và có những mối quan hệ khá phức tạp. Ian và Văn buộc phải giấu tất cả mọi người về mối quan hệ của mình, họ chỉ có thể lén lút quan tâm và yêu thương nhau qua ánh mắt, không dám gần gũi nhau quá nhiều vì lo sợ những người trong gia đình và bà con lối xóm không thể chấp nhận tình yêu của hai người đàn ông dành cho nhau.

Thưa mẹ con đi không phải là một tác phẩm điện ảnh cao siêu, cường điệu hóa cuộc sống gia đình của những người trong cộng đồng LGBT, cũng như cách họ phải đấu tranh hay giằng xé nội tâm vì quyết định nói hay không nói với gia đình. Câu chuyện mà đạo diễn Trần Đình Lê Minh mang đến cho khán giả cực kỳ chân thực, bình dị và gần gũi đến khó tin.

Kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái về một mái ấm gia đình riêng có con cái để dựa dẫm khi về già, tư tưởng kỳ thị người đồng tính vẫn luôn ăn sâu trong tiềm thức của người Việt, mẫu thuẫn em chồng – chị dâu trong chuyện chia tài sản…. Các tình huống trong phim diễn ra rất tự nhiên và bình dị, đem đến cho khán giả cảm giác như mình chính là một trong những thành viên trong gia đình Văn vậy.

Tiết tấu của bộ phim có phần hơi chậm, tuy nhiên nhờ vậy mà khán giả thấy được sự tinh ý của người mẹ đối với con mình, hiểu được vai trò của các tuyến nhân vật trong phim và những thay đổi trong cảm xúc của các nhân vật từ người mẹ trụ cột của gia đình cho đến bà nội lú lẫn nhưng có tư tưởng vô cùng thoải mái.

Thưa mẹ con đi không chỉ truyền tải đến thông điệp cho cộng đồng LGBT, hãy come out để có thể sống thật với chính mình; mà còn cho những đứa con thấy được tình yêu thương bao la của người mẹ, và dù thế nào mẹ vẫn là mẹ của chúng ta, vẫn luôn bên ta dù cả xã hội quay lưng. Vậy nên hãy ở bên cha mẹ nhiều hơn, dù có đi đâu về đâu cũng đừng quên rằng gia đình vẫn ở đó chờ ta về.

Dàn diễn viên kết hợp ăn ý

Diễn viên và diễn xuất

Hai nam chính Lãnh Thanh (Văn) và Võ Điền Gia Huy (Ian) là những gương mặt mới của điện ảnh Việt. Trong bộ đôi nhân vật chính, Touch Cinema đánh giá cao Võ Điền Gia Huy hơn khả năng diễn xuất tự nhiên, hóa thân tốt vào nhân vật. Còn vai Văn của Lãnh Thanh khuôn mặt quá nghiêm túc, cùng với kinh nghiệm diễn xuất chưa nhiều nên khiến nhiều phen cảm xúc của khán giả đang chuẩn bị lên đỉnh lại bị tụt xuống không thương tiếc.

Các tuyến nhân vật phụ có phần thể hiện rất tốt, đặc biệt nhân vật bà nội của Văn được Touch Cinema đánh giá 9/10 điểm. Một người bà dù đã cao tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nhưng lại cực kỳ tâm lý và đón nhận chuyện Văn – Ian yêu nhau theo cách hài hước đến không nhịn nổi cười. Nhân vật này không chỉ đảm nhận nhiệm vụ tấu hài trong phim, mà còn là người dần như hóa giải những nút thắt của phim.

Âm thanh và hình ảnh

Phần hình ảnh của bộ phim Thưa mẹ con đi được xây dựng khá tốt, mặc dù bối cảnh được lấy tại một vùng quê bình thường nhưng khi hiện lên lại rất đẹp khi mang theo hơi thở của quê nhà. Kết hợp với phần âm nhạc được phối tinh tế và khéo léo trong phim, góp phần giúp bộ phim có nét man mác buồn đặc trưng như cộng đồng LGBT trong thực tại.

Âm thanh của bộ phim cũng được xử lý tốt khi tận dụng được hệ thống âm thanh vòm của rạp chiếu phim. Tiếng gió thổi, tiếng ếch nhái kêu,… tất cả điều hiện lên cực kỳ chân thực.

Thưa mẹ con đi là một bộ phim tốt, vậy nên đừng bỏ lỡ tác phẩm này nhé.

Phim hiện đang được công chiếu tại Touch Cinema. Chúc các bạn xem phim vui vẻ.

 


Nguồn: Touchcinema

Thất Sơn Tâm Linh là bộ phim điện ảnh kinh dị, trinh thám Việt gặp nhiều khó khăn nhất để có thể ra rạp phục vụ khán giả yêu điện ảnh. Tác phẩm từng bị cấm chiếu vì không vượt qua được vòng kiểm duyệt của Cục điện ảnh, tuy nhiên với cố gắng không biết mệt mỏi của e-kip, cuối cùng khán giả cũng được thưởng thức Thất Sơn Tâm Linh tại Touch Cinema và các rạp chiếu phim trên cả nước bắt đầu từ ngày 8/10.

Thất Sơn Tâm Linh mất rất nhiều thời gian để công chiếu đến khán giả

Sau khi những suất chiếu sớm đầu tiên được ra rạp, mạng xã hội ngay lập tức đã chia thành 2 luồng ý kiến khen chê khác nhau. Một bên thì cho rằng Thất Sơn Tâm Linh có chất lượng khá ổn khi được chuyển thể từ sự kiện có thực ngoài đời; một bên thì bày tỏ thất vọng khi háo hức đến rạp rồi lại chưng hửng đi về; còn một số rất ít khán giả bày tỏ sự cảm thông với Thất Sơn Tâm Linh vì bộ phim bị cắt nát nhưng nỗ lực “giải cứu” phim của e-kip sản xuất rất xứng đáng được khen ngợi. Vậy nên Touch Cinema khoan sẽ không nhận định phim hay dở thế nào, thay vào đó là là những đánh giá về chất lượng nội dung, diễn xuất và âm thanh hình ảnh của bộ phim.

Nội dung phim

Thất Sơn Tâm Linh có tựa gốc là Thiên Linh cái, được xây dựng từ câu chuyện có thật về tên tội phạm giết người Hai Tửng (Đồng Tháp). Tuy nhiên khi gửi đến Cục điện ảnh kiểm duyệt, bộ phim đã không “qua cửa” vì chứa quá nhiều yếu tố tâm linh ma mị và bạo lực. Chính vì vậy nhà sản xuất đã phải sửa lại kịch bản, đồng thời thay luôn tên phim. Cuối cùng sau rất nhiều lần chỉnh sửa trong hơn 6 tháng, Thất Sơn Tâm Linh được ra đời với nội dung gần như khác hoàn toàn so với bản gốc.

Theo dõi phim, khán giả sẽ lạc vào một vùng quê miền Tây nghèo khổ với những người nông dân hiền lành, chân chất và rất dễ bị lừa bởi những kẻ như thầy lang Huỳnh. Gã thầy lang được nhiều người tung hô bởi những bài thuốc bí ẩn, cùng với cuộc hôn nhân như cổ tích với người vợ vừa câm vừa điếc. Song ẩn đằng sau vẻ ngoài đạo mạo đó là một tên tội phạm tàn ác với những hành vi biến thái và vặn vẹo.

Nửa đầu phim diễn ra với tiết tấu khá chậm rãi có thể khiến nhiều khán giả cảm thấy hơi chán, tuy nhiên càng về sau nhịp phim càng được đẩy lên cao với nhiều tình huống cao trào, mang đến cảm giác hồi hộp và ghê rợn cho khán giả. Thất Sơn Tâm Linh đã bị cắt gọt khá nhiều trước khi chính thức công chiếu tại rạp, chính vì vậy nên các yếu tố kinh dị trong phim không có nhiều và cũng không nặng đô, hoàn toàn phù hợp với những khán giả hơi yếu tim một chút nhưng muốn trải nghiệm cảm giác xem phim kinh dị.

Thất Sơn Tâm Linh mang đến một thông điệp rõ ràng về vấn nạn mê tín dị đoan và sự cả tin trong xã hội này. Cuối cùng dù mọi tội ác đều phải trả giá nhưng hệ lụy nó mang lại cho những người xung quanh vô cùng lớn, thậm chí không thể đo đếm được.

Hoàng Yến Chibi có diễn xuất vượt bậc trong Thất Sơn Tâm Linh

Diễn viên và diễn xuất

Theo dõi Thất Sơn Tâm Linh, khán giả sẽ thấy một Hoàng Yến Chibi trưởng thành hơn và chắc tay hơn về mặt diễn xuất. Không còn là một cô gái trẻ trung nhưng trong Ngôi nhà bươm bướm, Sỏi của Hoàng Yến Chibi là một nhân vật câm điếc bẩm sinh và mọi trạng thái tâm lý, cảm xúc của cô đều chỉ được thể hiện bằng ánh mắt hay ngôn ngữ cử chỉ. Vai diễn này là một bước tiến lớn giúp Hoàng Yến Chibi được đánh giá cao hơn về khả năng diễn xuất.

Vai phản diện thầy lang Huỳnh trong phim thuộc về Quang Tuấn và anh cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Từng cử chỉ, hành động của một tên sát nhân máu lạnh với âm mưu kinh khủng đã được Quang Tuấn khắc họa rõ nét trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Khán giả sẽ cảm thấy Huỳnh là một kẻ không xứng đáng được tồn tại trên cõi đời này, song quá khư đau thương ám ảnh của gã cũng sẽ khiến nhiều người phải mủi lòng thương xót.

Âm thanh và hình ảnh

Phần âm thanh và hình ảnh của Thất Sơn Tâm Linh chưa được đánh giá cao khi sử dụng khá nhiều khung hình thiếu sáng với mục đích tạo bầu không khí ma mị, ám ảnh cho khán giả. Kết hợp với những cảnh jumcare bất ngờ với âm thanh lớn và đột ngột. Tuy nhiên cả phần âm thanh và hình ảnh đều chưa mang lại hiệu ứng như mong đợi, thậm chí còn có phần khá thất bại trong phim.

Thất Sơn Tâm Linh mang đến khá nhiều ý kiến trái chiều cho khán giả sau khi bước chân ra khỏi rạp. Bài review này chỉ mang tính chất tham khảo và các bạn có thể đến Touch Cinema để theo dõi trực tiếp bộ phim này và có những đánh giá riêng của mình nhé.

Chúc các bạn xem phim vui vẻ!


Nguồn: Touchcinema

Cái sự đen tối của thế giới lô đề chính là nguồn “ánh sáng của Đảng” cứu vớt cả nền điện ảnh Việt Nam đang vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng, tăm tối – đó là lời nhận xét của Touch Cinema dành cho Ròm – bộ phim điện ảnh đã gặt hái được rất nhiều thành công tại các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới và phải rất chật vật mới chính thức được ra mắt khán giả Việt Nam.

Một tác phẩm điện ảnh Việt xuất sắc

Ròm có buổi họp báo giới thiệu phim vào ngày 23/9, sự kiện đã quy tụ những gương mặt “khủng” của Vbiz và không uổng phí thời gian quý giá của những người có tầm ảnh hưởng nhất giới giải trí, Ròm đã nhận được ti tỉ lời khen ngợi mà không thể nào lên danh sách hết. Touch Cinema cũng rất háo hức chờ đợi Ròm ra rạp và thực sự bộ phim xứng đáng là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt hấp dẫn nhất trong năm 2020.

Ròm là dự án điện ảnh được bắt đầu từ tác phẩm tốt nghiệp 16:30 của chính đạo diễn Trần Thanh Huy thời còn là sinh viên. Dự án này đã phải mất đến 8 quay ròng rã và 27 bản dựng thì mới có thể “thành hình, thành dạng”, dù vậy nhưng câu chuyện của Ròm đến thời điểm hiện tại vẫn không hề “lỗi thời”, lô đề vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội và chưa thể nào tìm thấy dấu hiệu kết thúc.

Thật khó để có thể tìm thấy một bình luận chê bai Ròm từ những khán giả may mắn được xem phim vào buổi họp báo, cho đến ngày hôm nay khi phim chính thức ra rạp. Touch Cinema đánh giá đây là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, bộ phim chinh phục được Touch Cinema với những lý do sau:

Thứ nhất: Nội dung phim quá “đời”

Đạo diễn kiêm biên kịch Trần Thanh Huy đã mang đến cho khán giả một Ròm quá đời, quá chân thực và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của tầng lớp người dân gần dưới đáy xã hội, luôn khao khát một cơ hội đổi đời dù phải trả giá bằng cả tính mạng. Những vấn đề xoay quanh tệ nạn lô đề như: mất nhà mất cửa, mất vợ mất con, mất bạn mất bè, thậm chí mất cả tính mạng đều được lột tả trần trụi qua những khung hình độc lạ của Ròm.

Kịch bản phim được xây dựng quá tốt, các tình tiết trong phim liên kết với nhau mạch lạch, logic và cho dù có một vài tình tiết hơi khó hiểu nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì lại rất hợp tình hợp lý. Ví dụ như tại sao thằng nhỏ Ròm lại bị đau bao tử, là vì từ lúc bị bỏ rơi bữa no bữa đói, khi ăn đồ thừa, lúc ăn đồ đã hỏng thì thằng bé bị đau bao tử là điều có thể hiểu được; nếu là bạn mà ăn uống thất thường một thời gian dài thì vô viện “giải cứu” dạ dày ngay là cái chắc đúng không nào? Hay như tại sao Ròm bị thằng bạn “shit” Phúc chơi “bẩn” thường xuyên nhưng vẫn “cặp kè” với nó; đơn giản thôi vì Ròm cũng đâu ít lần ăn chặn của Phúc, Ròm lại không hề có một mống bạn nào ở cái khu chung cư lụp xụp đó cả, nên có một thằng bạn để thi thoảng “ăn miếng trả miếng” cũng bớt cô đơn mà phải không nào?

Nói chung là biên kịch đã “tính cả rồi” nên trong suốt 79 phút thời lượng phim không có chi tiết nào thừa trong phim cả.

Thứ hai: Thông điệp của bộ phim quá sâu sắc

Bạn vẫn còn nhớ tấm hình poster của bộ phim chứ, ngay từ những hình ảnh giới thiệu đến khán giả bộ phim này đã cho người xem thấy được cái sự chênh vênh, nghiêng ngả của Ròm trên tấm cánh cửa nối 2 tòa nhà – đó cũng chính là cuộc đời bập bênh, nổi trôi và đầy u ám của Ròm tại Sài Gòn hoa lệ. Nhưng đó chưa phải là thông điệp duy nhất mà bộ phim mang lại.

Ròm khiến khán giả thấy được cái giá phải trả khi lao đầu vào đỏ đen cờ bạc, nhẹ nhì là mất tiền của, nặng thì mất cả gia tài, cả tính mạng. Ai trong cái khu xóm nghèo cũng đều hiểu được điều đó, nhưng cái sự nghèo khó đã bịt kín suy nghĩ của mỗi người, họ chỉ khao khát có một cơ hội trúng số để đổi đời, nên đã tìm mọi cách bao gồm cả cúng bái, mê tín dị đoan để có một con số trước giờ chốt sổ đề. Cuối cùng không ai có thể giàu có nhờ vào lô đề, nhưng ai cũng có thể nghèo đi vì sa chân vào vũng lầy này.

Bộ phim còn cho thấy được cái sự bạc bẽo của lòng người khi bị đẩy vào bước đường cùng. Người có thể cho bạn bát cơm khi bạn đói khổ, cũng có thể là người nhẫn tâm lấy đi của bạn số tiền ít ỏi phải dùng cả máu để đánh đổi. Người có thể “chơi” bạn một vố đau vẫn có thể là người ở bên bạn cùng nhau tiếp tục nếm trái đắng của cuộc đời. “Nhân sinh như mộng” và ai rồi cũng sẽ thay đổi, không ai có thể tốt với nhau vĩnh viễn, trừ cha mẹ (tất nhiên là nếu cha mẹ không vứt bỏ bạn tự sinh tự diệt).

Thông điệp cuối cùng đến từ cậu bé Ròm, dù cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn và chưa hề tìm thấy ánh sáng nơi cuối còn đường. Nhưng Ròm vẫn luôn lạc quan và nụ cười chẳng mấy khi tắt trên khuôn mặt ngây ngô của cậu nhóc.

Thứ ba: Hình ảnh của bộ phim quá lạ và độc đáo

Tin chắc rằng tất cả khán giả đều sẽ bị ấn tượng với những góc quay nghiêng “thần thánh” của Ròm. Những khung hình mới lạ không chỉ khiến người xem thêm phần thích thú khi theo dõi phim, mà còn góp phần tăng thêm sức nặng cho những thông điệp được truyền tải trong Ròm. Đặc biệt là có những khung hình bập bênh theo những bước chân Ròm, chà thực sự là quá ấn tượng luôn đó.

Khi theo dõi Ròm, nhiều khán giả xem phim sẽ có cảm giác như đang xem các bom tấn hành động của Hollywood với những pha rượt đuổi gay cấn của Ròm và Phúc quanh khắp ngõ nhỏ của Sài Gòn. Cũng là những ngõ ngách ngoằn nghèo, cũng là những khu nhà lụp xụp, xập xệ, cũng là những màn nhảu parkour nhìn sao cũng không giống dân nghiệp dư. Cảm giác giống như đang quay phim tại Mexico hay các nước Mỹ latinh vậy á.

Thêm một điểm nữa mà Touch Cinema cực kỳ ấn tượng về phần hình ảnh của Ròm, đó chính là sự đối lập giữa ánh sáng. Phần lớn thời lượng phim sẽ là những cảnh quay có màu tối, tăm tối giống như cuộc đời của Ròm và những người dân trong khu chung cư cũ vậy. Nhưng đặc biệt ấn tượng nhất đó là cảnh Ròm “hậu” quyết chiến với Phúc với khuôn mặt đầy hận thù, đôi mắt căm phẫn và máu chảy thành dòng từ miệng của Ròm – cảnh tượng này nhìn Ròm giống như zombie trong mấy bộ phim kinh dị vậy, thậm chí ám ảnh đến người xem còn hơn cả Train To Busan 2: Bán đảo Peninsula.

Thứ tư: Dàn diễn viên quá xuất sắc

Xuất sắc mà Touch Cinema nhắc đến ở đây không phải là kỹ năng diễn xuất của dàn diễn viên trong phim, bởi vì những gương mặt tham gia vào Ròm phần lớn là diễn viên nghiệp dư, chỉ một số ít là diễn viên chuyên nghiệp.

Trần Anh Khoa vai Ròm thực chất là em họ của đạo diễn Trần Thanh Huy, tham gia vào bộ phim bất đắc dĩ vì ông anh không tìm được diễn viên phù hợp cho bộ phim khóa luận tốt nghiệp. Cuối cùng cả tuổi thơ của Anh Khoa gắn liền với Ròm, đến mức từ một cậu nhóc bình thường có dáng đi hơi gù gù chỉ vì phải hóa thân vào nhân vật này trong suốt gần một thập kỉ.

Anh Tú Wilson cũng tạo được ấn tượng tốt với khán giả với lối diễn xuất tự nhiên và biểu cảm nhân vật tốt. Những pha parkour của anh bạn này chắc chắn sẽ khiến những fan của dòng phim hành động mê mẩn.

Mỗi diễn viên đều tạo được dấu ấn riêng trong Ròm, nhưng ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lòng khán giả là sự lăn xả trong mỗi khung hình. Trong những cảnh Ròm và Phúc ẩu đả nhau khiến khán giả lạnh người vì chân mực quá mức, ví dụ như cảnh Phúc nhảy cả người đạp lên ngực Ròm – trời ơi, giống như là Ròm sẽ bị thổ huyết ngay lúc đó vậy á.

Phần hình ảnh kết hợp với phần âm thanh được xử lý tốt, trong cái sự hỗn loạn của khu chung cư đông đúc vẫn có thể nghe ra những tiếng chửi bới, tiếng đài rè rè; trong cái sự ồn ào của xe cộ trên đường, vẫn nghe được tiếng bước chân rượt đuổi bình bịch của Ròm và Phúc…. Phần âm thanh rất chất luôn.

Thứ năm: Câu chửi thề đậm chất chợ búa

Nếu những bộ phim điện ảnh khác dù chửi nhau vẫn phải sử dụng các “mỹ từ” sao cho “đẹp tai” người xem, thì với Ròm là KHÔNG. Rất nhiều lời thoại chửi nhau được bê nguyên xi từ đời thực vào trong phim, nghe hơi thô nhưng mà thật tạo nên được nét riêng của bộ phim về đề tài lô đề. Vì vốn dĩ những người lao động ham mê lô đề đến mức mê tín thì làm gì có thời gian mà nghĩ ra những “lời hay ý đẹp” để nói với nhau khi “máu xông lên não”, mà nói thẳng ra là trình độ của tầng lớp dân nghèo cũng chỉ nói được đến mức như vậy mà thôi. Nghe cực kỳ đã.

Cuối cùng vì sao Touch Cinema lại nói Ròm nhưng không hề “còm”. Bởi vì thông qua cậu nhóc Ròm còm nhom, đạo diễn Trần Thanh Huy đã mang đến cho khán giả một bộ phim điện ảnh với sự đầu tư cực kỳ lớn về cả tiền bạc lẫn thời gian, rất nhiều thông điệp giá trị về cuộc sống và những giải thưởng điện ảnh siêu bự đến từ các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Touch Cinema cũng mạnh dạn dự đoán doanh thu của bộ phim chắc chắn không hề “còm” chút nào.

Ròm là minh chứng rõ ràng nhất phản bác quan điểm “khán giả Việt không ủng hộ điện ảnh Việt, chỉ ủng hộ điện ảnh nước ngoài”, khán giả Việt chỉ “ném đá” những bộ phim kém chất lượng, coi thường khán giả mà thôi. Còn với những tác phẩm chất lượng Ròm thì hãy xem số vé đặt trước 16.000 vé, lật đổ kỷ lục của bom tấn Train To Busan 2 là hiểu fan Việt yêu thương các bộ phim Việt chất lượng như thế nào rồi nhé.

Ròm là bộ phim điện ảnh khó có thể bỏ qua trong năm nay. Hãy đến với Touch Cinema để thưởng thức ngay tác phẩm này nhé.

Chúc các bạn xem phim vui vẻ và đừng quên tham gia Group review phim của Touch Cinema để trao đổi thêm về bộ phim này nhé.


Nguồn: Touchcinema