REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên teeradon “james” supanpinyo

Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên teeradon “james” supanpinyo

Một trong những điểm đặc trưng của dòng phim kinh dị Thái Lan mà Bánh Đúc thích nhất đó là cốt truyện và thông điệp đằng sau mỗi tác phẩm. Ngoài ra, bằng cách nào đó, mình thấy hầu hết các dòng phim Thái đều biết cách đan xen yếu tố hài hước vào đó, điều này không chỉ làm cho mình ấn tượng, mà phần nào cũng giảm bớt tính căng thẳng của yếu tố kinh dị, hồi hộp. 

Điển hình là Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2, một trải nghiệm xem phim kinh dị vừa hồi hộp, bất ngờ nhưng cũng không quên pha vào yếu tố hài hước.

Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2 là tác phẩm kinh dị được thể hiện dưới hình thức tuyển tập bộ 3 (triology) mẩu truyện ngắn. Hình thức tuyển tập này trước đây mình đã có một số bài viết chia sẻ cảm nhận của mình qua các bộ phim như Chuyện Ma Gần Nhà (Việt), Chuyện Ma Đô Thị (Hàn), Án Mạng Lúc Nửa Đêm (Thái).

Vì vậy ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ cảm nhận của mình về trải nghiệm điện ảnh lần này và một số đánh giá về 3 mẩu truyện ngắn trong Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2.

Cá nhân mình một bộ phim được đánh giá là hay, bắt buộc cả 3 yếu tố: cốt truyện, nhân vật, thông điệp phải toàn vẹn và chỉn chu, để lại một cái gì đó cho mình sau khi dòng danh đề hiện lên. 

Nhìn chung, Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2 không hoàn toàn là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc nếu xét về mặt tổng thể của cả bộ phim, nhưng nếu nhìn dưới góc độ độc lập của từng câu chuyện, thì cả 3 yếu tố trên đều đáp ứng đủ với mình.

Có lẽ chính sự liên kết đã khiến Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2 giảm đi tính hay của bộ phim. Mặt khác, từng câu chuyện đều đưa cho mình những trải nghiệm đa dạng, nếu ở câu chuyện đầu tiên Lời Động Viên Cuối Cùng cho mình thấy được nỗi khổ của những kẻ dị biệt, luôn tách rời bản thân với cộng đồng và khiến họ buộc phải tìm đến cách giải quyết tệ nhất.

Sang câu chuyện hai tên là Giường C, gửi gắm cho mình một thông điệp nhân văn về đạo đức nghề nghiệp, cụ thể là ngành y, thì đến tiểu phẩm cuối cùng - Người Bị Ruồng Bỏ, mình ví như một “parody hài” với những pha xử lý thú vị của 4 nhân vật và 3 thực thể siêu nhiên.

Nói về Lời Động Viên Cuối Cùng, kể về hai sinh viên năm nhất tên Maysa (Music Praewa) và Tai (Care Panisara), họ buộc phải tham gia nghi lễ SOTUS - một truyền thống học đường của Thái Lan. Lấy danh nghĩa đoàn kết nhưng thực tế đây chỉ là một chiêu trò để nội bộ chia rẽ nhau bởi họ không thích những gì khác biệt. 

“Xu cà na” cho Maysa là cô có khả năng nhìn thấy “những thứ không nên thấy” nên sớm bị cô lập, Tai cũng có khả năng đó nhưng cô luôn chối bỏ. Chính vì vậy, câu chuyện dẫn đến cao trào là Maysa tự kết liễu bản thân từ tầng thượng của trường học.

>>> Xem thêm: Tại sao bạn sẽ rén khi xem Chuyện Ma Giảng Đường?

Bánh Đúc thấy cốt truyện của tiểu phẩm này khá quen thuộc so với những ai mê phim kinh dị Thái, vì hầu hết đây là tình huống mình đã từng gặp ở nhiều bộ phim Thái khác, chẳng hạn như Cô Gái Đến Từ Hư Vô. 

Với bối cảnh âm u, ma mị, nhà làm phim lại chọn cách đưa ra những pha hù dọa đạt hiệu ứng rõ ràng, màu phim của Lời Động Viên Cuối Cùng cũng ám một chút vàng, phần nào cho mình cảm nhận rõ bầu không khí quỷ dị, na ná như những thước phim liêu trai vậy!

Hơn nữa, nếu nhìn dưới góc độ điện ảnh, mình thấy được hai mặt đối lập giữa tuyến nhân vật bình thường và tuyến nhân vật được cho là khác thường, một bên kín - một bên lộ. Mình nghĩ bản chất của câu chuyện này như muốn phê phán việc chia rẽ và hậu quả sau cùng của nó. 

Lấy Maysa làm điển hình, cô bé có thể nhìn thấy thế lực siêu nhiên và cá nhân mình nghĩ tất cả mọi người tại đó đều biết ngôi trường có gì đó kỳ lạ, nhưng họ lại xem như bình thường, chối bỏ mọi thứ và đẩy Maysa đến bước đường cùng. 

Bánh Đúc thích cảnh kết của tiểu phẩm này, Tai nằm dài trên tầng thượng với những quà tặng lưu niệm trong buổi lễ tốt nghiệp, cô đơn và trống trải vì mình cảm nhận được chính lúc này, Tai đang tự cô lập bản thân trong thế giới của Maysa và cô.

Nói về Giường C, một câu chuyện mới nhưng cách diễn đạt khiến mình không ấn tượng gì mấy, đặc biệt tạo hình của thực thể siêu nhiên “ảo hơn chợ Nhật Tảo” luôn! 

Giường C là một lời nguyền về chiếc giường tại căn phòng trong trường đào tạo chuyên ngành Y, nhân vật chính là Tan (James Teeradon thủ vai) bị mắc bệnh động kinh nhưng lại giấu giếm, không dám nói với cô bạn gái Tang (Nana Sawanya thủ vai). 

Cứ vào ngày kỷ niệm thành lập trường, linh hồn đáng sợ sẽ quay về, ngủ lại chiếc giường cũ của anh ta trong một đêm. Ai dám quấy phá sẽ nhận kết cục thê thảm.

Như mình nói, tiểu phẩm này mang một thông điệp mới về việc yêu thương bản thân và đạo đức hành nghề. Tuy nhiên, điều khiến Giường C không hoàn toàn hay với mình, một phần do tạo hình quỷ dị của thực thể siêu nhiên không ám ảnh, mặt khác cách kể truyện còn khá mơ hồ, khiến mạch phim cứ bị lê thê. 

Đặc biệt bối cảnh tối tăm, pha xử lý của nhân vật Tan khi gặp thực thể ấy lại cồng kềnh, chưa kể vì bị động kinh nên mỗi khi đến cơn, anh chàng sẽ co giật mà thiếp đi, khi tỉnh dậy cơ thể bị tê cứng hết, nên mọi thứ đều khá chậm chạp.

Điểm đáng khen chính là diễn xuất nội tâm của James Teeradon hoàn toàn khiến mình bất ngờ, không còn công tử nhà giàu như trong Bad Genius hay một "bad boy" trong Girl From Nowhere nữa, mà đúng chất là sinh viên với đam mê hành nghề nhưng sức khỏe lại không cho phép.

Cuối cùng là “parody hài” Người Bị Ruồng Bỏ, ta nói nhà làm phim rất biết cách sắp xếp tình huống luôn. Mình nghĩ những pha xử lý của thanh niên Golf (Kit Krit) cùng hội nữ sinh của Meen (Belle Kemisara) sẽ mang đến những tiếng cười và tràng vỗ tay của mọi người đấy!

Thật sự, Người Bị Ruồng Bỏ như một chiếc phễu, lọc hết những căng thẳng, hồi hộp của 2 câu chuyện đầu, để đến cuối cùng nhà làm phim tặng cho mình nhưng giây phút thú vị, thoải mái nhất. 

Xem phim kinh dị mà cười suốt 30 phút luôn là có thật! Chưa kể, cách dàn dựng góc quay và sắp xếp tình huống như bộ phim kinh dị - hài Scary Movies vậy!

Tổng quan mà nói, điểm cộng cho Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2 là việc tạo ra ba câu chuyện với ba phong cách khác nhau, cùng một bối cảnh, ý tưởng là trường học, nhưng cách khai thác lại đa dạng với nhiều góc nhìn khác nhau.

>>> Xem thêm: Trailer Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2: Hồi hộp theo từng nhịp phim

Có thể nói, việc sắp xếp mức độ kinh dị, giải trí của cả ba tiểu phẩm khiến mình thật sự xem đây là một trải nghiệm điện ảnh khó quên! 

Vì ở hai câu chuyện đầu đều là những tiểu phẩm liêu trai, rùng rợn, tưởng chừng đến Người Bị Ruồng Bỏ sẽ tương tự như vậy. Nhưng không! Mọi thứ làm vừa thú vị, vừa duyên dáng, nhất là nhân vật Golf của Kit Krit.

Điểm trừ lớn nhất của phim chính là tạo hình và kỹ xảo quá giả, xem mà thấy “ảo macanda”, dàn thực thể siêu nhiên không đáng sợ, duy chỉ có bối cảnh và cốt truyện mới khiến mình ám ảnh thôi!

Tóm lại, Chuyện Ma Giảng Đường Học Kỳ 2 không hoàn toàn sợ hãi như những gì trailer thể hiện, ba tiểu phẩm với ba thông điệp và ba màu sắc khác nhau, mình nghĩ nếu bạn xem đây là đơn thuần là tác phẩm kinh dị bình thường, thì bộ phim sẽ cho bạn một trải nghiệm ấn tượng đấy!

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Phim khác


Nguồn: Dienanhnet