REVIEWTOMTAT.COM Review Tóm Tắt Phim Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên mai thế hiệp

Tóm Tắt Phim Của Diễn Viên mai thế hiệp

Cái sự đen tối của thế giới lô đề chính là nguồn “ánh sáng của Đảng” cứu vớt cả nền điện ảnh Việt Nam đang vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng, tăm tối – đó là lời nhận xét của Touch Cinema dành cho Ròm – bộ phim điện ảnh đã gặt hái được rất nhiều thành công tại các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới và phải rất chật vật mới chính thức được ra mắt khán giả Việt Nam.

Một tác phẩm điện ảnh Việt xuất sắc

Ròm có buổi họp báo giới thiệu phim vào ngày 23/9, sự kiện đã quy tụ những gương mặt “khủng” của Vbiz và không uổng phí thời gian quý giá của những người có tầm ảnh hưởng nhất giới giải trí, Ròm đã nhận được ti tỉ lời khen ngợi mà không thể nào lên danh sách hết. Touch Cinema cũng rất háo hức chờ đợi Ròm ra rạp và thực sự bộ phim xứng đáng là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt hấp dẫn nhất trong năm 2020.

Ròm là dự án điện ảnh được bắt đầu từ tác phẩm tốt nghiệp 16:30 của chính đạo diễn Trần Thanh Huy thời còn là sinh viên. Dự án này đã phải mất đến 8 quay ròng rã và 27 bản dựng thì mới có thể “thành hình, thành dạng”, dù vậy nhưng câu chuyện của Ròm đến thời điểm hiện tại vẫn không hề “lỗi thời”, lô đề vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội và chưa thể nào tìm thấy dấu hiệu kết thúc.

Thật khó để có thể tìm thấy một bình luận chê bai Ròm từ những khán giả may mắn được xem phim vào buổi họp báo, cho đến ngày hôm nay khi phim chính thức ra rạp. Touch Cinema đánh giá đây là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, bộ phim chinh phục được Touch Cinema với những lý do sau:

Thứ nhất: Nội dung phim quá “đời”

Đạo diễn kiêm biên kịch Trần Thanh Huy đã mang đến cho khán giả một Ròm quá đời, quá chân thực và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của tầng lớp người dân gần dưới đáy xã hội, luôn khao khát một cơ hội đổi đời dù phải trả giá bằng cả tính mạng. Những vấn đề xoay quanh tệ nạn lô đề như: mất nhà mất cửa, mất vợ mất con, mất bạn mất bè, thậm chí mất cả tính mạng đều được lột tả trần trụi qua những khung hình độc lạ của Ròm.

Kịch bản phim được xây dựng quá tốt, các tình tiết trong phim liên kết với nhau mạch lạch, logic và cho dù có một vài tình tiết hơi khó hiểu nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì lại rất hợp tình hợp lý. Ví dụ như tại sao thằng nhỏ Ròm lại bị đau bao tử, là vì từ lúc bị bỏ rơi bữa no bữa đói, khi ăn đồ thừa, lúc ăn đồ đã hỏng thì thằng bé bị đau bao tử là điều có thể hiểu được; nếu là bạn mà ăn uống thất thường một thời gian dài thì vô viện “giải cứu” dạ dày ngay là cái chắc đúng không nào? Hay như tại sao Ròm bị thằng bạn “shit” Phúc chơi “bẩn” thường xuyên nhưng vẫn “cặp kè” với nó; đơn giản thôi vì Ròm cũng đâu ít lần ăn chặn của Phúc, Ròm lại không hề có một mống bạn nào ở cái khu chung cư lụp xụp đó cả, nên có một thằng bạn để thi thoảng “ăn miếng trả miếng” cũng bớt cô đơn mà phải không nào?

Nói chung là biên kịch đã “tính cả rồi” nên trong suốt 79 phút thời lượng phim không có chi tiết nào thừa trong phim cả.

Thứ hai: Thông điệp của bộ phim quá sâu sắc

Bạn vẫn còn nhớ tấm hình poster của bộ phim chứ, ngay từ những hình ảnh giới thiệu đến khán giả bộ phim này đã cho người xem thấy được cái sự chênh vênh, nghiêng ngả của Ròm trên tấm cánh cửa nối 2 tòa nhà – đó cũng chính là cuộc đời bập bênh, nổi trôi và đầy u ám của Ròm tại Sài Gòn hoa lệ. Nhưng đó chưa phải là thông điệp duy nhất mà bộ phim mang lại.

Ròm khiến khán giả thấy được cái giá phải trả khi lao đầu vào đỏ đen cờ bạc, nhẹ nhì là mất tiền của, nặng thì mất cả gia tài, cả tính mạng. Ai trong cái khu xóm nghèo cũng đều hiểu được điều đó, nhưng cái sự nghèo khó đã bịt kín suy nghĩ của mỗi người, họ chỉ khao khát có một cơ hội trúng số để đổi đời, nên đã tìm mọi cách bao gồm cả cúng bái, mê tín dị đoan để có một con số trước giờ chốt sổ đề. Cuối cùng không ai có thể giàu có nhờ vào lô đề, nhưng ai cũng có thể nghèo đi vì sa chân vào vũng lầy này.

Bộ phim còn cho thấy được cái sự bạc bẽo của lòng người khi bị đẩy vào bước đường cùng. Người có thể cho bạn bát cơm khi bạn đói khổ, cũng có thể là người nhẫn tâm lấy đi của bạn số tiền ít ỏi phải dùng cả máu để đánh đổi. Người có thể “chơi” bạn một vố đau vẫn có thể là người ở bên bạn cùng nhau tiếp tục nếm trái đắng của cuộc đời. “Nhân sinh như mộng” và ai rồi cũng sẽ thay đổi, không ai có thể tốt với nhau vĩnh viễn, trừ cha mẹ (tất nhiên là nếu cha mẹ không vứt bỏ bạn tự sinh tự diệt).

Thông điệp cuối cùng đến từ cậu bé Ròm, dù cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn và chưa hề tìm thấy ánh sáng nơi cuối còn đường. Nhưng Ròm vẫn luôn lạc quan và nụ cười chẳng mấy khi tắt trên khuôn mặt ngây ngô của cậu nhóc.

Thứ ba: Hình ảnh của bộ phim quá lạ và độc đáo

Tin chắc rằng tất cả khán giả đều sẽ bị ấn tượng với những góc quay nghiêng “thần thánh” của Ròm. Những khung hình mới lạ không chỉ khiến người xem thêm phần thích thú khi theo dõi phim, mà còn góp phần tăng thêm sức nặng cho những thông điệp được truyền tải trong Ròm. Đặc biệt là có những khung hình bập bênh theo những bước chân Ròm, chà thực sự là quá ấn tượng luôn đó.

Khi theo dõi Ròm, nhiều khán giả xem phim sẽ có cảm giác như đang xem các bom tấn hành động của Hollywood với những pha rượt đuổi gay cấn của Ròm và Phúc quanh khắp ngõ nhỏ của Sài Gòn. Cũng là những ngõ ngách ngoằn nghèo, cũng là những khu nhà lụp xụp, xập xệ, cũng là những màn nhảu parkour nhìn sao cũng không giống dân nghiệp dư. Cảm giác giống như đang quay phim tại Mexico hay các nước Mỹ latinh vậy á.

Thêm một điểm nữa mà Touch Cinema cực kỳ ấn tượng về phần hình ảnh của Ròm, đó chính là sự đối lập giữa ánh sáng. Phần lớn thời lượng phim sẽ là những cảnh quay có màu tối, tăm tối giống như cuộc đời của Ròm và những người dân trong khu chung cư cũ vậy. Nhưng đặc biệt ấn tượng nhất đó là cảnh Ròm “hậu” quyết chiến với Phúc với khuôn mặt đầy hận thù, đôi mắt căm phẫn và máu chảy thành dòng từ miệng của Ròm – cảnh tượng này nhìn Ròm giống như zombie trong mấy bộ phim kinh dị vậy, thậm chí ám ảnh đến người xem còn hơn cả Train To Busan 2: Bán đảo Peninsula.

Thứ tư: Dàn diễn viên quá xuất sắc

Xuất sắc mà Touch Cinema nhắc đến ở đây không phải là kỹ năng diễn xuất của dàn diễn viên trong phim, bởi vì những gương mặt tham gia vào Ròm phần lớn là diễn viên nghiệp dư, chỉ một số ít là diễn viên chuyên nghiệp.

Trần Anh Khoa vai Ròm thực chất là em họ của đạo diễn Trần Thanh Huy, tham gia vào bộ phim bất đắc dĩ vì ông anh không tìm được diễn viên phù hợp cho bộ phim khóa luận tốt nghiệp. Cuối cùng cả tuổi thơ của Anh Khoa gắn liền với Ròm, đến mức từ một cậu nhóc bình thường có dáng đi hơi gù gù chỉ vì phải hóa thân vào nhân vật này trong suốt gần một thập kỉ.

Anh Tú Wilson cũng tạo được ấn tượng tốt với khán giả với lối diễn xuất tự nhiên và biểu cảm nhân vật tốt. Những pha parkour của anh bạn này chắc chắn sẽ khiến những fan của dòng phim hành động mê mẩn.

Mỗi diễn viên đều tạo được dấu ấn riêng trong Ròm, nhưng ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lòng khán giả là sự lăn xả trong mỗi khung hình. Trong những cảnh Ròm và Phúc ẩu đả nhau khiến khán giả lạnh người vì chân mực quá mức, ví dụ như cảnh Phúc nhảy cả người đạp lên ngực Ròm – trời ơi, giống như là Ròm sẽ bị thổ huyết ngay lúc đó vậy á.

Phần hình ảnh kết hợp với phần âm thanh được xử lý tốt, trong cái sự hỗn loạn của khu chung cư đông đúc vẫn có thể nghe ra những tiếng chửi bới, tiếng đài rè rè; trong cái sự ồn ào của xe cộ trên đường, vẫn nghe được tiếng bước chân rượt đuổi bình bịch của Ròm và Phúc…. Phần âm thanh rất chất luôn.

Thứ năm: Câu chửi thề đậm chất chợ búa

Nếu những bộ phim điện ảnh khác dù chửi nhau vẫn phải sử dụng các “mỹ từ” sao cho “đẹp tai” người xem, thì với Ròm là KHÔNG. Rất nhiều lời thoại chửi nhau được bê nguyên xi từ đời thực vào trong phim, nghe hơi thô nhưng mà thật tạo nên được nét riêng của bộ phim về đề tài lô đề. Vì vốn dĩ những người lao động ham mê lô đề đến mức mê tín thì làm gì có thời gian mà nghĩ ra những “lời hay ý đẹp” để nói với nhau khi “máu xông lên não”, mà nói thẳng ra là trình độ của tầng lớp dân nghèo cũng chỉ nói được đến mức như vậy mà thôi. Nghe cực kỳ đã.

Cuối cùng vì sao Touch Cinema lại nói Ròm nhưng không hề “còm”. Bởi vì thông qua cậu nhóc Ròm còm nhom, đạo diễn Trần Thanh Huy đã mang đến cho khán giả một bộ phim điện ảnh với sự đầu tư cực kỳ lớn về cả tiền bạc lẫn thời gian, rất nhiều thông điệp giá trị về cuộc sống và những giải thưởng điện ảnh siêu bự đến từ các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Touch Cinema cũng mạnh dạn dự đoán doanh thu của bộ phim chắc chắn không hề “còm” chút nào.

Ròm là minh chứng rõ ràng nhất phản bác quan điểm “khán giả Việt không ủng hộ điện ảnh Việt, chỉ ủng hộ điện ảnh nước ngoài”, khán giả Việt chỉ “ném đá” những bộ phim kém chất lượng, coi thường khán giả mà thôi. Còn với những tác phẩm chất lượng Ròm thì hãy xem số vé đặt trước 16.000 vé, lật đổ kỷ lục của bom tấn Train To Busan 2 là hiểu fan Việt yêu thương các bộ phim Việt chất lượng như thế nào rồi nhé.

Ròm là bộ phim điện ảnh khó có thể bỏ qua trong năm nay. Hãy đến với Touch Cinema để thưởng thức ngay tác phẩm này nhé.

Chúc các bạn xem phim vui vẻ và đừng quên tham gia Group review phim của Touch Cinema để trao đổi thêm về bộ phim này nhé.


Nguồn: Touchcinema